xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mở đường thống nhất đất nước

Bài và ảnh: PHAN ANH

Huyền thoại “Điện Biên Phủ trên không” của các chiến sĩ không quân miền Bắc đã thôi thúc lòng quyết chiến, quả cảm của phi công trẻ Nguyễn Thành Trung thả bom Dinh Độc Lập, mở đường thống nhất đất nước

Năm 1972, khi không quân Mỹ mang “pháo đài bay” đánh phá miền Bắc thì ở miền Nam, một người con cách mạng được cài cắm vào không quân ngụy đau thắt từng ngày bởi hơn ai hết, ông hiểu rất rõ sự hủy diệt mang tên B52. Từ đó, một điều mãnh liệt luôn thôi thúc ông là mang bom ném vào dinh thự đầu não của chế độ Sài Gòn như lời đáp trả cho những mất mát, đau thương mà nhân dân thủ đô Hà Nội gánh chịu trong 12 ngày đêm. Ông là đại tá - Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Nguyễn Thành Trung.

img
Đại tá Nguyễn Thành Trung (giữa) nhận hoa chúc mừng từ đồng đội

5 giây quyết định

Ông Trung còn nhớ rất rõ việc Mỹ ném bom đã tác động rất lớn đến thanh niên lúc bấy giờ. “Sinh ra trong chiến tranh, sống trong chiến tranh nên chúng tôi mơ biết bao ngày hòa bình! Vì vậy, sự kiện 12 ngày đêm ở Hà Nội một lần nữa thúc đẩy chúng tôi làm nhanh, làm cho bằng được để chấm dứt cuộc chiến, để đồng bào ta không chịu thêm cảnh chết chóc” - ông thổ lộ.

Khi được tổ chức phân công ném bom Dinh Độc Lập, ông Trung vô cùng sung sướng. Ông hồi tưởng: Hôm ấy, ngày 8-4-1975, không quân ngụy có nhiệm vụ  đi ném bom ở Phan Rang. Đây là một cơ hội tốt cho ông nhưng cũng là việc cực kỳ khó khăn vì khi đã bay thì không thể tách khỏi phi đội, càng không thể lấy máy bay trong căn cứ. “Nghĩ đến chuyện “pháo đài bay” bất khả xâm phạm của Mỹ còn bị các chiến sĩ không quân miền Bắc bắn rơi, tôi quyết tâm thực hiện cho được nhiệm vụ này” - ông cho biết.

Theo quy định của đài chỉ huy, khi phi đội cùng bay, mỗi chiếc sẽ bay cách nhau 5 giây. Nếu máy bay nào đó bị trễ, họ cho thêm 5 giây, tổng cộng là 10 giây. Nếu quá 10 giây, sang giây thứ 11 mà không thể cất cánh, phi công sẽ không được bay nữa, trở về nơi đỗ an toàn. Lợi dụng điểm này, ông Trung đã quyết định táo bạo: Đánh lạc hướng, làm cho phi đội trưởng và đài kiểm soát không lưu nhầm lẫn trong việc chỉ huy bay.

“Phi đội bay ra Phan Rang lần ấy có 3 chiếc, tôi ở vị trí số 2. Khi viên chỉ huy quay lại nhìn, tôi giơ 2 ngón út và áp út để báo bị trục trặc về điện. Ông ấy ra hiệu cho tôi ở lại, còn số 1 và 3 cất cánh bình thường. Tôi vừa mừng vừa hồi hộp, thầm nhủ thời cơ đến rồi” - ông Trung nhớ lại. Sau khi 2 máy bay cất cánh, ông Trung đếm 5 giây, cộng thêm 5 giây nữa và cũng cất cánh. Phi đội nghĩ là ông ở lại, còn đài chỉ huy cho rằng ông chỉ bị trễ một chút và đã tiếp tục cất cánh chứ không có gì trục trặc. Trong khoảnh khắc ngắn ngủi 5 giây cuối đó, ông đã bay thẳng về hướng Sài Gòn.

Chỉ sau 5 phút, ông đã đến mục tiêu và ném bom xuống Dinh Độc Lập. Hoàn thành nhiệm vụ, ông hạ cánh an toàn trên đường băng dã chiến ở sân bay Phước Long (nay thuộc Bình Phước) trong sự vui mừng khôn xiết của các cán bộ, chiến sĩ. Hai tuần sau, ngày 21-4, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức và chạy ra nước ngoài.

Điều không tưởng với người Mỹ

Đại tá Nguyễn Thành Trung còn làm nên một kỳ tích khi chỉ trong 4 ngày đã huấn luyện Phi đội Quyết thắng lái được máy bay A37 để thực hiện nhiệm vụ ném bom sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày 28-4-1975.

Năm 1985, một đoàn khách Mỹ 5 người đến Việt Nam muốn gặp đại tá Trung để nói chuyện về chiến tranh. Sau khi gặp, Bộ Ngoại giao cũng như ông hoàn toàn bất ngờ vì biết trong đoàn có 2 nhân viên CIA. Trong buổi gặp, họ hỏi: “Tôi biết ông lấy được máy bay chúng tôi ở Đà Nẵng rồi đem về huấn luyện đồng đội nhưng không thể nào hiểu được vì sao chỉ trong thời gian rất ngắn, ông có thể làm được?”. Ông Trung khẳng khái: “Người Mỹ các ông sẽ không bao giờ hiểu được. Khi mất nước, chúng tôi có thể làm bất cứ điều gì để mang lại kết quả cao nhất”.

Đại tá Trung cho biết ngày 22-4-1975, ông mới đến Đà Nẵng nhưng ngày 28-4 phải ném bom. Thời gian 6 ngày nhưng chuyển quân hết 2 ngày, ông chỉ còn 4 ngày để huấn luyện. Khó nhất là lúc bấy giờ, phi công của ta chưa từng lái máy bay Mỹ, chỉ quen Mig của Liên Xô và chủ yếu sử dụng máy bay tiêm kích. Lần này, nhiệm vụ của họ là phải sử dụng thành thạo những “con chim sắt” A37. “Bằng ý chí, trí tuệ và nghị lực, chúng tôi đã làm được. Đó là điều không tưởng với người Mỹ bởi họ huấn luyện một phi công phải mất 3 tháng” - ông Trung tự hào.

Cũng tại cuộc gặp này, một nhân viên CIA đã tiếp lộ rằng khi đó, Mỹ biết chắc chắn Việt cộng sẽ tấn công Sài Gòn. “Mỹ nghĩ trận chiến đó sẽ xảy ra ở Sài Gòn nên để 3.000 cố vấn ở lại chỉ với mục đích duy nhất là xem đánh nhau” - ông Trung kể. Thế nhưng, người Mỹ đâu ngờ được ngày 28-4-1975, ta ném bom Tân Sơn Nhất, họ buộc phải thay đổi kế hoạch và lập tức đưa ngay 3.000 cố vấn rời Sài Gòn bằng trực thăng. Chính sự rút đi đột ngột của Mỹ đã khiến cuộc chiến rối loạn. Một lực lượng quân ngụy đã buông súng đầu hàng và 2 ngày sau, Chiến dịch Hồ Chí Minh thắng lợi vẻ vang, đất nước hoàn toàn thống nhất.

Không còn đứng 2 đầu chiến tuyến

Chiến dịch ném bom xuống Hà Nội của Mỹ 40 năm trước gặp sự phản đối mạnh mẽ trên khắp thế giới. Làn sóng phản đối càng gay gắt hơn trong lòng nước Mỹ. Trong những ngày B52 đánh phá ác liệt ấy, cựu binh Robert Mulholland đã tổ chức cuộc vận động sâu rộng trên toàn nước Mỹ để chống chiến tranh xâm lược Việt Nam, chống ném bom bằng B52 xuống Hà Nội. “Tôi là lính nhảy dù của Mỹ ở chiến trường miền Nam những năm 1967-1968. Sau khi tìm hiểu và đọc Hiệp định Geneve năm 1954, tôi hiểu tổng thống Lyndon Baines Johnson và Richard Milhous Nixon đã nói dối người dân Mỹ” - ông Robert Mulholland cho biết. Còn cựu binh Mỹ David Anderson Everett, phi công lái máy bay F4, tâm sự: “Vì mệnh lệnh, chúng tôi đã ném bom xuống mảnh đất xinh đẹp của các bạn. Tôi rất lấy làm tiếc. Sau 40 năm, trở lại Việt Nam, tôi rất vui khi chúng ta không đứng ở 2 đầu chiến tuyến nữa”.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo