Khán giả văn minh
Các sàn diễn khó khăn vì vắng khách nhưng trên các trang web: cailuongvietnam.com; cailuongvietnam.net; dacohoailang.com; conhacvietnam.com; caovanlau.vn; conhacquehuong.com…, nghệ thuật cải lương luôn sôi động. Nhiều vở tuồng, bài hát vọng cổ của các nghệ sĩ nổi tiếng qua hàng chục năm và của nghệ sĩ trẻ hiện nay đều được số hóa, chuyển tải cho mọi người thưởng thức, bình phẩm... Mỗi ngày, có hàng chục ngàn lượt người truy cập vào các trang web này.
Cũng như nhiều trang web cải lương khác, cailuongso.com có các thành viên phần lớn là giới trí thức trẻ, có việc làm ổn định tìm đến với nhau lập nên CLB Yêu thích cổ nhạc Anh Em để định hướng một sân chơi, biểu lộ niềm đam mê và bày tỏ ý kiến cá nhân của mình đối với bộ môn nghệ thuật truyền thống dân tộc này. Nguyên tắc gia nhập thành viên của trang web này cũng rất khắt khe, phải qua nhiều thử thách mới được kết nạp. Tiêu chí diễn đàn của họ là mang tính xây dựng chứ không đả phá. CLB Yêu thích cổ nhạc Anh Em mỗi tháng sinh hoạt một lần, có khi tổ chức thành chương trình biểu diễn hoành tráng, quy tụ nhiều nghệ sĩ chuyên nghiệp cùng tham gia biểu diễn, được khán giả cổ vũ nồng nhiệt.
Tại Liên hoan Sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2012 tổ chức tại TP Biên Hòa - Đồng Nai vừa qua, những chiếc áo hồng đồng phục của thành viên trang web này đã có mặt trực chiến để thông tin, bình luận về các vở diễn làm nóng các trang mạng cải lương. Soạn giả Hoàng Song Việt nói: “Sàn diễn cải lương rất cần họ, vì trên diễn đàn họ nói thẳng, nói thật, phê phán tới nơi và có trách nhiệm. Chưa lúc nào sàn diễn cải lương lại có đội ngũ khán giả trẻ có trình độ và nhận xét chính xác như hiện nay”.
Xuất phát từ những đam mê, các CLB đều có hướng đi riêng nhưng tựu trung là góp phần kêu gọi sự yêu thích có trách nhiệm hơn của người hâm mộ với nghệ thuật cải lương.
Tương tác để đổi mới
Qua rồi cái thời những thông tin ảo trên mạng mà người viết phê phán nghệ sĩ vô tội vạ, đề cập chuyện đời tư nhiều hơn là góp ý về ca diễn. Các trang web cải lương, ca cổ đã có chung tiêu chí tẩy chay những thành viên ảo. Thay vào đó, họ giới thiệu rất rõ về bản thân và có ý kiến chính xác về các vai diễn, vở diễn từ màn ảnh cho đến các suất diễn hiếm hoi được sáng đèn tại TPHCM và các tỉnh. Bạn Nguyễn Văn Khanh (nhân viên phòng marketing một doanh nghiệp lớn) nói: “Có sự tương tác sẽ làm thay đổi nhận thức làm nghề của nghệ sĩ. Sàn diễn cải lương chết vì xem nhẹ yếu tố tương tác này. Một thời nghệ sĩ lạm dụng việc hát nhép, diễn ẩu, bị lên án, nay không còn dám vì cộng đồng mạng sẵn sàng tố cáo người nào hát nhép”.
Sự lớn mạnh của những sân chơi này đã khiến không ít nghệ sĩ cải lương phải quan tâm. NSND Lệ Thủy cho biết: “Nhiều năm qua, nhờ các CLB này mà giới nghệ sĩ được nghe những ý kiến đóng góp hết sức chân thành. Sàn diễn cải lương rất cần những khán giả đam mê nhưng có trình độ tri thức và có trách nhiệm với cộng đồng”.
Từ những diễn đàn này, khán giả trẻ đã định hướng cho nghệ sĩ trong nhiều sô diễn. Nghệ sĩ Vũ Luân cho biết: “Tôi dự định tổ chức live show cá nhân thì nhận được hàng trăm ý kiến góp ý rất tâm đắc của người hâm mộ. Vì thế, chương trình chuyên đề về người mẹ của tôi trên sân khấu được dàn dựng đúng như góp ý của khán giả trẻ” .
Kết nối yêu thương Đi vào đời sống xã hội, các trang web cải lương phát hiện nhiều tài năng trẻ, thông tin nhanh nhất những trường hợp đang cần sự giúp đỡ. Trang web cailuongvietnam.com và cailuongvietnam.net vận động những tấm lòng hảo tâm giúp đỡ các nghệ sĩ đang gặp hoạn nạn, khó khăn… Nghệ sĩ Vũ Minh Vương xúc động nói: “Hai lần bệnh thập tử nhất sinh, tôi đều nhận được tiền, quà của người hâm mộ từ các trang web cải lương gửi đến giúp đỡ”. |
Bình luận (0)