Ngày 25-11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM (đơn vị số 1) đã tiếp xúc cử tri quận 4 và quận 3 sau kỳ họp thứ 4, QH khóa XIII. Cùng ngày, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải cùng tổ ĐBQH (đơn vị số 4) đã tiếp xúc hơn 300 cử tri tại quận 11. Tổ ĐBQH số 3 gồm các ông Huỳnh Thành Lập, Trưởng Đoàn ĐBQH TPHCM; Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP; Phạm Văn Gòn, Viện trưởng VKSND TP, tiếp xúc hơn 300 cử tri 14 phường của quận 6.
Phải thay người không còn được tín nhiệm
Ảnh: TẤN THẠNH
Hoan nghênh việc QH thông qua dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng chống tham nhũng, cử tri đề nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng phải tiếp tục nghiên cứu, xem xét, đưa ra các giải pháp khả thi hơn để trừ tận gốc nạn tham nhũng. Trước tình trạng tham nhũng ngày càng biến tướng tinh vi và diễn biến phức tạp, đặc biệt là việc hình thành các “nhóm lợi ích”, cử tri Nguyễn Biên Giới (phường 16, quận 4) cho rằng cần làm rõ hơn trách nhiệm của người đứng đầu, đặc biệt là trong vấn đề kê khai tài sản, thu nhập. “Việc kê khai càng công khai, minh bạch chừng nào thì công tác phòng chống tham nhũng mới đạt hiệu quả chừng đó, đáp ứng mong đợi của nhân dân”.
Liên quan đến vấn đề này, tiếp xúc với cử tri quận 11 vào chiều 25-11, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải cho biết hiện Đảng và Nhà nước đang tập trung làm đến nơi đến chốn những vụ gây thất thoát tài sản của các tập đoàn kinh tế Nhà nước. Ông Hải mong muốn nhân dân đồng hành cùng Đảng, Nhà nước để việc phòng chống tham nhũng hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Cần quan tâm hơn đến dân nghèo
Tại buổi tiếp xúc, nhiều vấn đề liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu, quy định mới CSGT được hóa trang (mặc thường phục) khi thi hành nhiệm vụ, vấn đề lương, thưởng của công chức, cấp đổi CMND… được nhiều cử tri quan tâm.
Cử tri Vũ Hoàng Ninh (phường 13, quận 4) cho rằng quy định lực lượng CSGT được hóa trang khi thi hành nhiệm vụ là không cần thiết. Bởi trong thực tế hiện nay, lực lượng cảnh sát hình sự, cơ động mặc thường phục đã có, họ có thể đảm nhận vai trò này mà không nhất thiết phải là CSGT. Nhiều cử tri bày tỏ lo ngại quy định như trên sẽ tạo điều kiện cho tệ “sách nhiễu” người vi phạm, thậm chí nhiều đối tượng có thể mạo danh cảnh sát mặc thường phục để “làm luật” với người vi phạm giao thông.
Bên cạnh đó, lãi suất ngân hàng giảm chậm khiến doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng khủng hoảng, ảnh hưởng đến công ăn, việc làm của người lao động. Theo cử tri Trần Xuân Kiên (phường 14, quận 6), việc tăng lương tối thiểu sẽ bắt đầu từ tháng 7-2013, trễ hơn lộ trình và mức tăng quá thấp chỉ 100.000 đồng, không bảo đảm cuộc sống khi mà giá cả vẫn không có dấu hiệu giảm. “Nhà nước cần quan tâm hơn đến dân nghèo, cụ thể là việc tăng lương đủ để đáp ứng những nhu cầu thiết yếu” - ông Kiên kiến nghị.
Luật Đất đai còn rối Dẫn chứng về những bất cập trong các quy định bồi thường, đền bù giải tỏa, cử tri Nguyễn Văn Kiều (phường 11, quận 4) cho biết gia đình ông có miếng đất ở quận 2 nằm trong đường vành đai phía Đông bị thu hồi nhưng áp giá mỗi lúc mỗi khác, người dân không biết thế nào mà lần. Dự án bỏ không đến nay hơn chục năm nhưng chưa triển khai, người dân thì chịu nhận giá đền bù chỉ 300.000 đồng/m2. Trong khi cùng miếng đất ấy, chủ đầu tư ủi đất, phân lô, bán nền với giá 9 - 10 triệu đồng/m2. “Luật Đất đai hiện quá rối rắm, xử lý vi phạm về chủ đầu tư để dự án treo cũng không rõ” - ông Kiều nói. |
Bình luận (0)