Bình Thuận và Ninh Thuận là 2 tỉnh nằm trong khu vực có khí hậu khắc nghiệt. Đây cũng là 2 địa phương có gió rất mạnh trong mùa khô, nguyên nhân chính hình thành các vùng đất sa mạc hóa.
Cát bay - một trong những hiện tượng sa mạc hóa - tấn công nhà dân ở xã Tiến Thành, TP Phan Thiết
Ngày càng… “bỏng rát”
Dọc theo Tỉnh lộ 706B từ TP Phan Thiết ra Mũi Né là những đồi cát trải dài của phường Hàm Tiến. Đây có thể coi là con đường đi xuyên “sa mạc”, nhà dân thưa thớt. Dọc theo tỉnh lộ này có những bức tường đá chắn cát bề thế, xây dựng tiền tỉ nhưng cũng không ngăn nổi chúng tràn xuống đường.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận, toàn tỉnh hiện có gần 90.000 ha đất hoang mạc (chiếm khoảng 11,5% tổng diện tích đất toàn tỉnh), tập trung ở các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc và một số ở TP Phan Thiết. Tỉnh Ninh Thuận cũng là địa bàn “nóng” về tình trạng sa mạc hóa. Thống kê của Bộ NN-PTNT cho thấy 38% diện tích của tỉnh Ninh Thuận có nguy cơ biến thành sa mạc.
Nỗ lực cải thiện môi trường sống
Theo ngành NN-PTNT của 2 tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận, nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng sa mạc hóa là do tác động trực tiếp của gió mùa, đặc biệt là gió mùa Đông Bắc, tạo nên hiện tượng cát bay. Mặt khác, việc thiếu hệ thống rừng vành đai chắn gió khiến cát dễ dàng tràn lấp lên những khu vực canh tác, các khu dân cư tập trung hoặc tạo nên những cồn cát mới…
Hiện tại, với sự hỗ trợ của cơ chế toàn cầu thuộc Công ước chống sa mạc hóa của Liên Hiệp Quốc (UNCCD), 2 tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận đã xây dựng chiến lược tài chính lồng ghép phòng chống sa mạc hóa và các ý tưởng dự án cụ thể. Các tổ chức quốc tế đã cam kết hỗ trợ, đầu tư cho 2 tỉnh này phòng chống sa mạc hóa, thông qua các dự án tổng hợp mang tính đa ngành như: Dự án phục hồi và phát triển rừng phòng hộ duyên hải miền Trung (do Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản - JICA tài trợ), dự án thủy lợi miền Trung và dự án thủy lợi Phan Rí - Phan Thiết (do Ngân hàng Phát triển Châu Á - ADB tài trợ), dự án Tam nông (do Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế - IFAD tài trợ)…
Riêng Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận đề xuất với UBND tỉnh 2 dự án trồng rừng phòng hộ chống bồi lấp và sạt lở bàu Ông, bàu Bà (xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình) trên diện tích 224,8 ha nhằm cải thiện môi trường sống và 400 ha đất canh tác của người dân khu vực này.
Thu trữ nước ngầm Trong chương trình phòng chống sa mạc hóa ở tỉnh Ninh Thuận, mô hình thu trữ nước ngầm bằng hệ thống ống và giếng tập trung được xây dựng tại xã Phước Hải, huyện Ninh Phước đã mang lại hiệu quả cao. Hệ thống thu nước bằng ống lọc có đường kính 5-10 cm, chôn chìm dưới mạch nước ngầm ít nhất 50 cm. Nước được thu vào các đường ống dẫn về 4 giếng tập trung và tăng áp dọc theo chiều dài tuyến thu nước. Cuối cùng, nước được dẫn về hệ thống bể lọc và phân phối cho các hộ dân vùng khô hạn. Kết quả khảo sát cho thấy vào mùa khô, mỗi ngày, hệ thống này thu được khoảng 20 m3 nước, đủ cung cấp cho trên 100 hộ dân sử dụng. Mô hình này được đánh giá là một trong những giải pháp phòng chống sa mạc hóa có tính khả thi cao ở những vùng đồi cát.
L.Trường |
Bình luận (0)