Tổng thống Mursi sẽ gặp Hội đồng Tư pháp tối cao Ai Cập (SJC) ngày 26-11 (giờ địa phương) để đàm phán về sắc lệnh ban hành ngày 22-11 với mong muốn xoa dịu tình hình căng thẳng hiện nay. Ngoài ra, ông cũng sẽ tổ chức đối thoại với các lực lượng đối lập với mong muốn đạt được đồng thuận về bản hiến pháp mới đang trong giai đoạn soạn thảo.
Trước đó, trong ngày 25-11, văn phòng tổng thống đã chữa cháy bằng cách tuyên bố sắc lệnh ngày 22-11 chỉ mang tính tạm thời với mục đích ngăn chặn tình trạng “chính trị hóa” các cơ quan tư pháp và các âm mưu phá hoại hay giải tán Hội đồng Lập hiến và Hội đồng Shura (thượng viện).
Tổng thống Ai Cập Mohammed Mursi phát biểu trước đám đông ủng hộ ông tại Cairo hôm 23-11. Ảnh: AP
Sắc lệnh của ông Mursi thực sự đã chọc giận ngành tư pháp Ai Cập. Câu lạc bộ Thẩm phán nước này đã kêu gọi biểu tình toàn quốc dịp cuối tuần qua, góp phần đẩy Ai Cập vào nguy cơ khủng hoảng mới do xung đột giữa 2 phe ủng hộ và phản đối Tổng thống Mursi. Tại quảng trường Tahrir ở Cairo, khoảng 10.000 người biểu tình hô các khẩu hiệu chống tổ chức Anh em Hồi giáo và đòi hủy bỏ sắc lệnh ngày 22-11.
Trong ngày 25-11, một thiếu niên 15 tuổi tên Fathy Massoud, thành viên của Anh em Hồi giáo, đã thiệt mạng khi trụ sở của tổ chức này ở thị trấn Damanhour bị tấn công. Cũng tại Damanhour còn có khoảng 60 người bị thương, nâng tổng số thương vong do đụng độ trong 3 ngày qua lên hơn 500 người.
Tuy vậy, Hội đồng Tư pháp tối cao có vẻ sẽ thỏa hiệp để tránh tình hình thêm khó kiểm soát. Một mặt không bác bỏ hoàn toàn sắc lệnh trên mà tuyên bố nó chỉ nên áp dụng cho “các vấn đề chủ quyền”, mặt khác SJC hối thúc các quan tòa quay lại làm việc. Bộ trưởng Tư pháp Ahmed Mekky cũng bắt đầu các nỗ lực hòa giải giữa tổng thống và giới thẩm phán.
Thế nhưng, nhiều nhân vật đối lập chủ chốt, bao gồm cựu giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Mohamed ElBaradei, từ chối tham gia đối thoại cho đến khi tổng thống hủy bỏ sắc lệnh trên.
“Không có chỗ cho đàm phán khi một nhà độc tài ban hành các chính sách cưỡng bức ghê gớm rồi lại bảo “chúng ta hãy lấp đầy cách biệt” - ông ElBaradei nhấn mạnh. Bản thân Bộ trưởng Mekky cũng bày tỏ lo ngại về sắc lệnh - một dấu hiệu cho thấy sự chia rẽ trong nội các Ai Cập - với tuyên bố lẽ ra tổng thống nên thương lượng cùng các lực lượng chính trị trước khi ban hành.
Khủng hoảng đã khiến thị trường chứng khoán Ai Cập mất gần 4,8 tỉ USD trong ngày 25-11, mức thiệt hại lớn nhất kể từ khi thị trường này mở cửa trở lại vào ngày 31-7 sau làn sóng chính biến lật đổ chế độ của Tổng thống Hosni Mubarak vào tháng 2-2011.
Cũng trong ngày 25-11, Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain phát biểu trên kênh Fox News: “Quan điểm của Mỹ về vấn đề này nên là: “Không thể chấp nhận!”. Chúng tôi cảm ơn ông Mursi về những nỗ lực làm trung gian cho lệnh ngừng bắn tại Dải Gaza song những gì đang diễn ra không phải là điều mà chúng tôi mong muốn. Tiền đóng thuế của người dân Mỹ viện trợ cho Ai Cập phải được đổ vào tiến trình dân chủ hóa”.
Bình luận (0)