Theo văn bản của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp về kế hoạch và cơ chế đặc thù triển khai các dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Cần Thơ và dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên (Quốc lộ 14 cũ), Thủ tướng đồng ý về mặt chủ trương điều chỉnh tăng mức phí đường bộ như đề nghị của Bộ GTVT nhưng cần có lộ trình tăng từ nay đến năm 2016 đạt mức khoảng 3,5 lần so với hiện nay.
Chủ yếu thu hút đầu tư
Trước đó, Chính phủ đã thống nhất phương án mở rộng Quốc lộ 1 do Bộ GTVT đề xuất. Cụ thể, trong giai đoạn 2013-2016 sẽ mở rộng 1.504 km đường từ 2 làn lên 4 làn xe, nâng cấp 282 km Quốc lộ 1 với tổng mức đầu tư khoảng 89.300 tỉ đồng.
Để có nguồn vốn thực hiện, Bộ GTVT phối hợp cùng Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã trình ra Quốc hội để Chính phủ phát hành 60.000 tỉ đồng trái phiếu Chính phủ đầu tư các dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Cần Thơ (phần vốn Nhà nước) và Quốc lộ 14. Tuy nhiên, do nhiều lý do, đề xuất đó chưa được Quốc hội xem xét. Chính vì thế, Bộ GTVT hy vọng việc huy động nguồn vốn từ doanh nghiệp thông qua các hình thức BOT, PPP (đối tác công-tư) sẽ được khoảng 34.500 tỉ đồng; nguồn vốn Nhà nước, bao gồm cả việc hỗ trợ vốn các dự án hợp tác công - tư, khoảng 51.000 tỉ đồng.
Trạm thu phí lại dày đặc
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (nguyên phó cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam - Bộ GTVT), cho biết thông tin sẽ tăng phí Quốc lộ 1 và Quốc lộ 14 lên gấp 3,5 lần đang khiến cộng đồng doanh nghiệp và người dân “đau đầu”. Ông Hùng cho rằng ngân sách đang khó khăn nên việc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư BOT đường sá là cần thiết. Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, phải mất vài năm nữa, kinh tế Việt Nam mới hồi phục, việc nâng mức thuế, phí nói chung và phí Quốc lộ 1, 14 quá cao sẽ khiến cuộc sống của người dân thêm chật vật.
Trong ảnh: Quốc lộ 1 đoạn qua TPHCM. Ảnh: TẤN THẠNH
“Bộ Tài chính và Bộ GTVT phải tính làm sao để giải bài toán hài hòa lợi ích giữa hai bên, tránh việc vỗ béo nhà đầu tư BOT, đổ thua thiệt cho người lao động” - ông Hùng bày tỏ. Ông cho rằng việc làm cần thiết nhất của Bộ GTVT lúc này là chống thất thoát, rút ruột các dự án xây dựng giao thông. Cả xã hội đang nhìn thấy các con đường nhanh chóng xuống cấp, hư hỏng, ổ voi, ổ gà như thế nào mà nguyên nhân cơ bản nhất là việc xây dựng không bảo đảm chất lượng, rút ruột nguyên vật liệu,…
Theo PGS-TS Nguyễn Quang Toản (nguyên chủ nhiệm Bộ môn Đường bộ Trường Đại học GTVT Hà Nội), chi phí làm đường sá nói chung và đường cao tốc nói riêng của Việt Nam quá cao so với các nước trên thế giới. Ông Toản cho rằng nhất thiết phải làm chặt chẽ từ khâu lập dự án, phê duyệt dự án, thiết kế, chọn vị trí… để hạ giá thành làm đường và tránh thất thoát.
Quá sức chịu đựng của DN Ông Phan Hoàng Chi, Giám đốc Công ty Vận tải Tâm An, phân tích: Với mức phí quá cao, doanh nghiệp (DN) không còn cách nào khác là đưa vào giá cước vận tải. Chỉ riêng Quốc lộ 14 tính từ Bình Dương đến Đắk Lắk đã dày đặc trạm thu phí. Một xe tải hiện nay phải đóng 60.000 đồng/vé/trạm thì sắp tới phải đóng khoảng 200.000 đồng. Như vậy, qua 7- 8 trạm thu phí ở đoạn đường này, mỗi xe phải đóng khoảng 1,5 triệu đồng, quá sức chịu đựng của DN. Theo ông Văn Hồng Tấn, Giám đốc Công ty Vận tải Tấn Tín, thời điểm này quá khó khăn, không nên áp dụng mức phí mới mà cần dời lại thời điểm khác khi nền kinh tế sáng sủa hơn. Nếu có tăng cũng nên tính toán lại với mức vừa phải để DN còn có đất sống. Còn theo ông Trần Phước Thắng, Giám đốc Công ty Vận tải Toàn Thắng, phí đường bộ tăng quá cao buộc cước vận tải hàng hóa tăng theo. Mức tăng này cũng được DN sản xuất hàng hóa đưa vào giá thành và việc đẩy giá cả hàng hóa tăng lên là điều khó tránh khỏi.
N. Hải |
Bình luận (0)