Theo một chuyên gia, các tỉnh thường có “cái tật” rất lớn là hễ thấy ai làm gì thì muốn làm theo để cho “bằng chị, bằng em”. Việc xây dựng các khu kinh tế (KKT) biên mậu là một ví dụ. Dù nguồn vốn có hạn nhưng lại đầu tư một cách dàn trải nên cuối cùng, chẳng nơi nào ra nơi nào. Mọi hậu quả đều do người dân gánh chịu.
Đổ tiền tỉ
Nhờ có đường biên giới dài trên 100 km nên An Giang được xem như cầu nối giao thương giữa các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL, Đông Nam Bộ với Campuchia và các nước ASEAN. Hiện tỉnh này có 3 KKT ở cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên (huyện Tịnh Biên), Vĩnh Xương (thị xã Tân Châu) và Khánh Bình (huyện An Phú) với tổng diện tích trên 26.500 ha. Các KKT này có nhiều phân khu chức năng như khu bảo thuế, kho ngoại quan, trung tâm thương mại (siêu thị miễn thuế), đô thị, chợ nông sản, khu vui chơi giải trí… Theo Ban quản lý các KKT tỉnh An Giang, tổng số vốn đầu tư cơ sở hạ tầng ở 3 KKT cửa khẩu này là trên 124 tỉ đồng.
Tại tỉnh Đồng Tháp, hiện có 2 KKT ở cửa khẩu quốc tế Thường Phước (huyện Hồng Ngự) và Dinh Bà (huyện Tân Hồng) với tổng diện tích gần 32.000 ha (dự kiến sẽ còn tiếp tục mở rộng). Theo ban quản lý các KKT tỉnh này, từ năm 2005 đến nay, tổng kinh phí đầu tư cho các KKT khoảng 225 tỉ đồng. Trong đó, vốn đầu tư cơ sở hạ tầng là 175 tỉ đồng và 2 khu dân cư khoảng 50 tỉ đồng. Nơi đây cũng sẽ có các công trình như KCN, trung tâm thương mại, bãi đậu xe, cao ốc văn phòng, nhà phố, chợ nội địa, quảng trường, khu kiểm hóa hải quan...
Với lợi thế là tỉnh nằm ven vịnh Thái Lan và có đường bộ tiếp giáp Campuchia, từ năm 2000 đến nay, Kiên Giang cũng đã xây dựng KKT tại thị xã Hà Tiên với tổng diện tích 1.600 ha. KKT bao gồm: Khu dân cư có diện tích khoảng 320 ha; hệ thống các công trình công cộng hơn 262 ha; khu các công trình cơ quan như bộ đội biên phòng, hải quan, kiểm dịch quốc tế, các cửa hàng giới thiệu sản phẩm, cửa hàng miễn thuế 15 ha; các công trình thương mại quốc tế và nội địa như hội chợ triển lãm văn phòng đại diện, ngân hàng, cửa hàng giới thiệu sản phẩm, khách sạn, nhà hàng, kho hàng… khoảng 18,5 ha; kho ngoại quan gần 32 ha; KCN phục vụ chế biến hàng nông, lâm, hải sản khoảng 83 ha; khu rừng bảo tồn sinh thái phục vụ du lịch hơn 304 ha và các cảng biển được thiết kế với quy mô hàng ngàn tấn/năm… Tính đến nay, vốn ngân sách từ Trung ương và địa phương đã đầu tư vào KKT này là hơn 2.000 tỉ đồng.
Lo phá sản vì… vướng đủ thứ
Theo ban quản lý các KKT ở 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang, khó khăn nhất hiện nay đối với các KKT là vấn đề thu hút đầu tư vì hệ thống giao thông chưa được quan tâm xây dựng tương xứng. Chính sách thiếu tính ổn định lâu dài cũng khiến nhà đầu tư lúng túng, gặp nhiều rủi ro, thậm chí có thể phá sản.
Công trình bề thế bỏ hoang Tại KKT cửa khẩu Thường Phước, chúng tôi thật sự choáng ngợp với vẻ bề thế của chợ Thường Phước. Đó là một ngôi chợ với mặt tiền rộng thênh thang nằm trên trục Tỉnh lộ 841. Thế nhưng, nhìn từ ngoài vào trong chợ, chúng tối chẳng thấy một bóng người. Các lô sạp trong nhà lồng chợ này giống như những chuồng trại chăn nuôi gia súc. Một phụ nữ ở đây cho biết: “Chợ này được khánh thành khoảng 7 năm nay. Mấy tháng đầu, chính quyền địa phương vận động người dân vô chợ buôn bán. Nhiều người cũng đem hàng vô nhưng không lâu lại cuốn gói ra ngoài vì ế ẩm”. |
Kỳ tới: Cần chính sách dài hơi
Bình luận (0)