Nhiều bạn đọc chỉ rõ vấn đề: Hãy nhìn vào bản chất của sự việc. Nếu là cảnh sát mà lấy tiền của người dân để bỏ qua lỗi vi phạm giao thông là tham nhũng. Đừng vịn vào cớ tiền ít hoặc nhiều mà bỏ qua những sai phạm này.
Không thể chấp nhận
Hành vi “mãi” lộ là không thể chấp nhận dù nó ở bất cứ hình thức nào, cấp độ nào. Nếu cứ dung túng thì nó sẽ làm băng hoại đạo đức của một bộ phận cán bộ công quyền; tạo thói quen dùng tiền “mua” những hành vi sai trái trong xã hội mà những hành vi đó có thể làm ảnh hưởng đến quyền lợi, thậm chí là tính mạng của người khác.
Bạn đọc Xuân Thời, nhận định: “Với pháp luật giao thông hiện nay, khi bị phạm lỗi phải tới nơi CSGT bắt mà đóng phạt mất cả ngày, còn nhờ “cò” thì lấy xe ra được ngay... nên người dân buộc phải thích CSGT tham nhũng hơn. Mong Bộ Công an nên rà lại thực tế lính của mình”. Bạn đọc Bùi Văn Chính, thẳng thắn: “Nhận của người dân vài ba trăm ngàn là không lớn ư?... Thử nghĩ một người nộp 100.000 đồng trong khi bỏ qua lỗi xử phạt 300.000 đồng ngân sách cho nhà nước, thử hỏi một ngày bỏ qua 100 người như vậy số tiền sẽ là bao nhiêu. Tính sơ sơ một ngày bỏ túi được cả chục triệu đồng. Thật chẳng hiểu vị này nghĩ gì...”.
Bạn đọc tên Duy phân tích: Tuy mỗi lần nhận vài chục, một trăm nghìn nhưng vấn đề không phải là chỉ nhận nhận một lần. Bởi nếu vậy thì nhận 1.000 lần 100.000 ngàn đồng cũng không cấu thành hành vi tham nhũng. Đó là cách tránh né trách nhiệm chứ không phải là tiếp thu để sửa đổi. Có mấy ai làm một vụ 1.000 lần x 100.000 đồng = 100 triệu đồng một lúc đâu. Nếu cứ theo định nghĩa của vị cán bộ trên thì có lẽ Việt Nam không có tham nhũng. Người dân bây giờ "khôn" hơn rất nhiều rồi. Họ nhận ra bản chất của sự việc rất rõ.
Bao biện
Không ít bạn đọc cho rằng đến bây giờ mà nghĩ mỗi lần bị CSGT đòi tiền chỉ vài chục nghìn đồng đến một trăm ngàn đồng là quá... lạc hậu. Giá tiền lót tay cho CSGT cứ lên vùn vụt và ngày càng trắng trợn. Một bạn đọc cho biết: Các vị không đi thực tế nên không biết chứ xe nào đã bị thổi thì chủ phương tiện móc ra không bao giờ dưới một trăm ngàn đồng. Các "quan" thử một lần mặc đồ thường dân, vi phạm giao thông đi rồi sẽ biết. Khi bị thổi thì “luật bất thành văn” tiền lót tay bằng 50% số tiền phạt vi phạm. Nếu không muốn bị giam bằng thì phải vay mượn hoặc về nhà kiếm tiền lên nộp.
Bạn đọc Trần Hà, kể một câu chuyện còn bức xúc hơn: “Ba tôi 62 tuổi, chạy xe ôm ở khu vực gần Bến xe Miền Đông -TPHCM. Có lần vì khách ra bến xe để quên đồ nhờ ba tôi quay lại lấy. Vì sợ trễ giờ xe chạy, ba tôi chạy nhanh, thế là bị một CSGT trẻ tuổi thổi còi. Ba tôi kể lại: khi ông dừng xe, CSGT này hỏi "Biết bị thổi cái gì không?". Ba tôi ngẩn ngơ. CSGT này chỉ ra nào là chạy quá tốc độ cho phép, đường không có con lươn, lấn tuyến... và hỏi ba tôi muốn phạt bao nhiêu. Ba tôi nói thông cảm cho ông ấy vì mới chạy cuốc đầu chưa có tiền. Người này hỏi trong túi ba tôi hiện có bao nhiêu ? Ba tôi móc ví ra còn có 60.000 đồng. CSGT này bảo đưa hết số tiền cho anh ta để anh ta đi ăn sáng.
Hãy nhìn lại mình
“Tôi nghĩ đây là dịp để ngành công an nhìn lại chính mình. Tham nhũng là tham nhũng, còn tham nhũng nhiều hay ít thì sẽ có mức kỷ luật khác nhau. Đừng nên nghĩ rằng "năm ba chục hay một vài trăm nghìn" thì chưa thể cho là tham nhũng, sẽ vô tình "động viên" CSGT nhận tiền thoải mái mà không sợ dư luận dị nghị vì đây chưa phải là hành động tham nhũng, vậy thì quá nguy hiểm. CSGT tham nhũng "cạn" nhưng trên diện rộng, những ngành khác thì tham nhũng "hẹp" nhưng có chiều sâu; nếu tham những "sâu" và "cạn" trải đều khắp nước thì sẽ rất nguy cấp ?” - Nguyễn Thanh. “Phải dựa trên nền tảng là dân, khi dân than phiền có nghĩa bộ máy có vấn đề, biết vậy thì phải chỉnh chu lại nề nếp chứ sao lại tránh né bênh vực cho điều nghịch lòng dân!? Cầm một đồng của dân thôi cũng là tham nhũng rồi, đừng bao biện cho cấp dưới nữa” - Hồ Phúc. |
Bình luận (0)