Ngành du lịch Bình Thuận trong những năm qua được nhìn nhận phát triển khá mạnh và ổn định nhờ một hệ thống cơ sở hạ tầng đáp ứng tương đối nhu cầu du khách; bãi biển trong xanh, hoang sơ; các loại hình dịch vụ, vui chơi giải trí ngày càng đa dạng. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng hình ảnh đó, du lịch Bình Thuận đang gặp một số khó khăn nhất định. Trong đó, tình trạng chèo kéo khách du lịch đang làm ảnh hưởng không tốt đến bộ mặt của du lịch thành phố.
Vì nằm trên cung đường dẫn ra Khu du lịch Hàm Tiến - Mũi Né, nên trước đây trên đường Nguyễn Thông đông đúc các quầy hàng bày bán đặc sản nước mắm và các mặt hàng lưu niệm luôn tấp nập khách ra vào, nhất là vào những dịp lễ, tết, cuối tuần. Từ một, hai quầy hàng ban đầu xuất hiện để bán các dòng sản phẩm nước mắm theo từng hộ gia đình, qua thời gian, các quầy hàng thay phiên nhau mọc lên san sát để đón khách.
Có thể nói, chất lượng nước mắm của các quầy hàng dọc theo tuyến đường Nguyễn Thông đi ngang qua các phường Phú Hài, Thanh Hải khá đồng đều nhau nên để thu hút được khách hàng, các chủ cửa hàng có những phương thức kinh doanh khác nhau. Tiếc là, thay vì chú trọng quảng bá thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm thì một số chủ quầy hàng nước mắm lại chèo kéo khách du lịch bằng việc nâng mức “bồi dưỡng” cho các chủ xe, hướng dẫn viên du lịch.
Các quầy hàng đua nhau đẩy mức “bồi dưỡng” lên cao để rồi chết mòn khi không cạnh tranh nổi. Hệ quả là chỉ sau một thời gian không dài, rất nhiều quầy hàng dọc theo tuyến đường Nguyễn Thông đã bị “xóa sổ”. Trao đổi với chúng tôi về tình trạng tranh giành khách không lành mạnh của các quầy hàng, ông Nguyễn Hữu Dũng - chủ cơ sở nước mắm Bà Hai - phường Phú Hài cho biết, thực trạng trên đã tồn tại từ rất nhiều năm nay và việc “bồi dưỡng” nhà xe từ lâu được xem là một luật bất thành văn của các cửa hàng.
Ảnh: Đ.H
Không chỉ riêng mặt hàng nước mắm mà tình trạng trên còn xuất hiện ở hầu hết các quầy hàng bán các sản phẩm đặc trưng của Phan Thiết - Bình Thuận như: thanh long, hải sản, bánh kẹo…
Khu vực cổng vào phía Nam thành phố Phan Thiết là nơi tập trung đông đúc các quầy bán hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch cũng đang diễn ra sự cạnh tranh ngấm ngầm ấy. Ông Nguyễn Hòa Minh - quầy hàng lưu niệm Minh Thủy, xã Tiến Lợi thẳng thắn: Các loại xe du lịch theo tour, từ 29 ghế trở lên là những đối tượng được các chủ quầy hàng dành sự “quan tâm” nhiều nhất. Theo giá mà những quầy hàng thỏa thuận với chủ xe, mỗi chuyến dẫn khách vào thì tài xế và hướng dẫn viên thường được “bồi dưỡng” từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng. Nhiều quầy hàng còn tạo mối quan hệ, liên lạc với nhà xe sẽ ghé vào trạm dừng chân của mình trước khi khởi hành đón khách.
Việc các chủ quầy hàng và nhà xe “xi-nhan” với nhau thì người bị thiệt hại nhất chính là khách du lịch. Để bù vào số tiền “bồi dưỡng”, chủ quầy hàng sẽ đẩy giá các mặt hàng lên cao, hoặc sẽ bày bán những mặt hàng chất lượng thấp để tạo ra khoản chênh lệch. Thực tế, không nhiều khách du lịch nhận ra điều này.
Tình trạng chèo kéo khách du lịch bằng việc nâng mức “bồi dưỡng” cho các chủ xe, hướng dẫn viên du lịch đã xuất hiện từ lâu, tuy nhiên, việc ngăn chặn tình trạng này để bảo vệ quyền lợi cho du khách lại không hề dễ. Hiện nay tại Phan Thiết, chúng ta chưa xây dựng trạm dừng chân hoàn thiện để có thể đáp ứng nhu cầu mua sắm các sản phẩm đặc trưng, đáp ứng nhu cầu về giá cả, chất lượng của du khách. Sự kiểm soát của các ngành chức năng đối với việc kinh doanh buôn bán tại các quầy hàng không phải lúc nào cũng sâu sát.
Bình luận (0)