Quận 12 và quận khác bắt được các vụ rải đinh nhưng trừ vụ Nguyễn Văn Hải (Thủ Đức) đã khởi tố còn các vụ khác chưa xử được. Vừa qua Công an TP HCM đã có văn bản gửi UBND TP các quận huyện đề xuất các kế hoạch để phối hợp liên ngành trong việc bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn nhưng đến nay vẫn chưa thấy các quận huyện gửi văn bản phản hồi.
Ông Minh cũng cho biết kế hoạch của công an TP HCM để thực hiện giảm tội phạm là: Sẽ tăng cường kết nối giữa các tổ đặc nhiệm hình sự giữa các quận, huyện; kiểm tra các hộ kinh doanh dịch vụ nhạy cảm để loại trừ những nơi tiêu thụ tài sản phạm tội mà có; tăng cường công tác kiểm tra địa bàn các nơi nhạy cảm để phát hiện những nơi tội phạm có thể ra tay.
Nói về hình phạt đối với tội trộm, cướp hiện nay, ông Minh cũng thừa nhận là còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe nhưng muốn thay đổi phải sửa luật.
Vấn đề vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ đang tồn tại trái phép nhiều trong xã hội, ông Minh nhận trách nhiệm về phía ngành công an nhưng một phần cũng do quy định pháp luật còn nhiều sơ hở. Cụ thể, tàng trữ vũ khí thô sơ mà không gây án thì rất khó xử phạt. Sắp tới, Công an TPHCM sẽ cho phép công an các quận, huyện bắt giữ và xử lý các vụ tàng trữ vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ dù chưa gây án.
Đến 11 giờ 30 phút, vẫn còn 11 ĐB đặt câu hỏi xoay quanh 20 vấn đề cho thiếu tướng Phan Anh Minh. Trong đó, đáng chú ý là đề nghị thành lập đội săn bắt cướp; quản lý đối tượng nghiện hồi gia; cơ chế hoạt động cho "hiệp sĩ"; tình trạng thờ ơ, vô cảm của người dân khi không tham gia hỗ trợ bắt cướp, giúp đỡ người bị tai nạn giao thông...
Cụ thể, ĐB Đinh Phương Duy hỏi: Tình trạng và hướng khắc phục tình trạng tiêu thụ đồ gian? Công dân vô cảm trước cướp giật, họ sợ phản ứng lại thì sẽ thiếu an toàn, sợ bị trả thù. Công an có biện pháp nào để động viên công dân can thiệp, trấn áp cướp giật trên đường phố?
ĐB Lâm Đình Chiến: Công an TPHCM có hướng đến phục hồi lại lực lượng săn bắt cướp nhằm kéo giảm tình trạng cướp giật lộng hành hiện này? TPHCM vừa tiếp nhận 10.000 người cai nghiện hồi gia, số này làm an ninh bất ban, đề nghị thông tin cho đại biểu biết lực lượng này hiện nay thế nào, công tác quản lý ra sao?
ĐB Trần Ngọc Hưng: Từ ngày 6-10 đến 15-11, số vụ cướp giật tăng 46% so với tháng trước, 29% so với cùng kỳ năm 2011. Công an có chỉ đạo 24 quận huyện ra quân trấn áp nhưng khi đó thì tội phạm ém quân, sau đó gia tăng trở lại. Biện pháp chấn chỉnh tình trạng trên?
ĐB Trịnh Xuân Thiều: Chế độ giam giữ, giáo dục ra sao mà tình trạng tội phạm sau khi ở tù về tái phạm rất cao? Tại sao chưa có hình thức xử lý cụ thể đối với những địa bàn có tội phạm tăng cao?
ĐB Trịnh Xuân Thiều
ĐB Phạm Hiếu Nghĩa: Mô hình “hiệp sĩ đường phố” hoạt động rất hiệu quả. Đánh giá và hướng hỗ trợ sắp tới của Công an TPHCM đối với mô hình này? Đề nghị thông tin về tình hình tham nhũng trong lực lượng CSGT trong năm qua của tổ thanh tra đặc nhiệm.
ĐB Trần Quang Thắng: Khi người dân báo có đá gà, đánh bạc thì lực lượng 113, công an đến rất nhanh nhưng nếu có đánh nhau, cướp giật, mua bán, sử dụng ma túy thì nửa tiếng sau mới thấy công an đến. Tại sao và giải pháp cho tình trạng này?
Một số đại biểu khác còn nêu vấn đề người dân TP vô cảm, bỏ mặc người bị tai nạn giao thông. Giải pháp nào khắc phục tình trạng này, có xử lý những cá nhân vô cảm theo đúng quy định của pháp luật?
Trả lời chung các câu hỏi của ĐB, ông Minh đưa ra một số thống kê để lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng phạm pháp hình sự tăng cao. Cụ thể, có 49% người phạm tội thất nghiệp; 54,60%, có việc làm nhưng tự do, thu nhập không ổn định; 46,20% liên quan đến nhu cầu sử dụng ma túy (nghiện hoặc quá kích động); 24% có tiền án tiền sự; trên 41% đã gây án nhiều lần hoặc đang bị truy nã.
Nói về chất lượng công tác cải tạo phạm nhân, theo ông Minh, việc này do Bộ Công an quản lý, không thuộc thẩm quyền của các địa phương. Chính phủ đang tiếp tục nâng cao chất lượng dạy nghề cho phạm nhân. Nhưng theo kinh nghiệm của ông, việc đào tạo nghề đó không thực sự phù hợp để họ tìm được việc làm khi về với cộng đồng, đó là chưa kể định kiến xã hội còn tồn tại.
Ông Minh nói thêm, cách đây mấy năm chúng ta thường xuyên đặt xá nhưng lý do ít được công khai, đó là các trại giam quá tải. Khoảng 2 năm gần đây tình trạng này chấm dứt, hy vọng tình trạng phạm pháp sắp tới có cải thiện nhiều hơn.
Về nhóm có lệnh truy nã, có tiền án, theo ông Minh cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương. Cụ thể, theo ông Minh, vào dịp sắp Tết, các tỉnh trong khu vực, các tỉnh đồng loạt phát động các đợt tất công tổng lực để tránh tội phạm chạy từ địa bàn này qua địa bàn khác gây án.
Về vấn đề người nghiện hồi gia, tái nghiện thì đây là thách thức của ngành công an vì luật hiện nay nhiều kẽ hở dẫn đến ngành công an không thể quản lý hết các đối tượng nghiện được. Vì vậy không thể đánh giá chính xác được những người nghiện hiện tại ra sao. Theo báo cáo là 3% tái nghiện nhưng công an thống kê là khoảng 26%, số này chưa thống kê đầy đủ.
Về tình trạng gia tăng tội phạm trong tháng 11, ông Minh cho rằng chưa chính xác vì con số đó chỉ mang tính thống kê ngay trong tháng, có những vụ xảy ra từ nhiều tháng trước chứ không phải những mới xảy ra.
Tội phạm lộng hành đang là thách thức rất lớn đối với công an TP trong khi công an TP không được tăng biên chế, trụ sở thi công dẫm chân tại chỗ, nơi làm việc tạm bợ...
"Nhưng dù trong bất cứ điều kiện nào chúng tôi cũng cố gắng hết mình. Nếu còn được phân công làm việc, tôi sẽ nhìn thẳng vào thách thức, động viên anh em làm việc để bằng mọi cách cải thiện tình hình".
Kết quả thì không nên hứa hẹn gì trước vì trong công tác của ngành có nhiều bất ngờ khó lường trước.
Nói thêm về tình trạng tội phạm ngày càng hung hãn, táo tợn do có tình trạng sử dụng, mua sắm vũ khí và thậm chế tự chế vũ khí, ông Minh cho biết hướng sắp tới ngoài vận dụng luật để sử phạt còn phối hợp với cảnh sát quản lý hành chính triệt các đường dây nhập lậu các loại vũ khí này.
Về vấn đề phục hồi lực lượng săn bắt cướp, theo ông Minh thực tế mô hình này vẫn đang tồn tại với tên gọi lực lượng đặc nhiệm hình sự.
"Săn bắt cướp là mô hình hoạt động có hiệu quả, được báo chí ca tụng, nằm trong lòng dân hơn 10 năm nên giờ gọi hình sự đặc nhiệm thì nghe xa lạ. Nhưng hiện lực lượng đặc nhiệm hình sự hiện nay kế thừa hết tất cả những ưu điểm của lực lượng săn bắt cướp và đang từng bước tổ chức lại, phát huy khả năng để hoạt động hiệu quả hơn", ông Minh cho biết.
Nói về tình trạng tiêu cực trong CSGT, ông Minh cho biết thời gian qua TP triển khai nhiều giải pháp để khôi phục lại bộ mặt của lực lượng này trong mắt người dân. Cụ thể là kiểm soát tài sản của CSGT khi đi tuần tra. Qua đó những trường hợp tiêu cực bị phát hiện không nhiều. Ông Minh cũng thừa nhận, kiểm tra hiện nay chưa phủ kín nhưng qua kết quả phát hiện sau những giải pháp cụ thể như trên thì đó là tín hiệu đáng mừng.
Ông Lê Minh Trí, Phó Chủ tịch UBND TPHCM
Phát biểu tại kỳ họp, ông Lê Minh Trí, Phó Chủ tịch UBND TP nhận định TPHCM là một “vùng trũng”của nhiều loại tội phạm. Trong năm qua, TP đã kéo giảm được 7,16% tội phạm hình sự, đây là một cái được. Tuy nhiên, tội phạm liên quan đến cướp giật vẫn còn ở mức cao với tính chất ngày càng nghiêm trọng. Đặc biệt tội phạm liên quan đến ma túy ngày càng diễn biến phức tạp.
Mục tiêu sắp tới, TP tập trung số 1 vào đối tượng tội phạm ma túy và cai nghiện ma túy vì có đến 50% các vụ án liên quan đến ma túy. Nên nếu quản tốt các đối tượng này thì sẽ thì tác động vào các loại tội phạm khác, kéo giảm rất nhanh.
Bên cạnh đó, tiếp tục kéo giảm tội phạm nguy hiểm (hiện đang chiếm 20%) và tập trung vào tội phạm cướp giật (70%).
Để làm được điều này, theo ông Trí, không phải chỉ trách nhiệm của ngành công an mà của cả hệ thống chính trị và của toàn dân. Trong đó đặc biệt là trách nhiệm của chính quyền cơ sở.
Sắp tới, theo ông Trí, cần có chế độ hỗ trợ thỏa đáng, trang bị công cụ hỗ trợ, huấn luyện nghiệp vụ đối với các lực lượng chuyên trách ở địa phương để họ phát huy khả năng phòng chống tội phạm tại chỗ; phát huy các phong trào tại cơ sở để tạo ra những nhân tố tích cực, thay thế cho những nhân tố tiêu cực.
Đặc biệt, điều quan trọng nhất là lực lượng công an, ngoài việc phát huy khả năng trong phòng chống tội phạm còn phải xây dựng hình ảnh đẹp, tạo sự tin tưởng trong lòng người dân để họ sẵn sàng hỗ trợ công an trong việc trấn áp tội phạm.
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!