xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Triều Tiên làm thế giới bật ngửa

MỸ NHUNG

Tên lửa được phóng thành công sáng 12-12 buộc thế giới phải nhìn Triều Tiên bằng con mắt khác

Ngày 11-12, hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap đưa tin Triều Tiên tháo tên lửa ra khỏi bệ phóng để sửa chữa. “Đùng một cái”, sáng 12-12, tên lửa Triều Tiên được công nhận phóng thành công. Càng đột ngột hơn khi trước đó, chính Bình Nhưỡng tuyên bố kéo dài thời hạn phóng đến ngày 29-12.

“Có vẻ thành công”

Theo truyền thông Nhật Bản và Hàn Quốc, tên lửa đẩy mang vệ tinh của Triều Tiên được phóng vào khoảng 9 giờ 49 phút (giờ địa phương, tức 7 giờ 49 phút giờ Việt Nam). Yonhap dẫn lời giới quân sự Seoul cho hay: “Các tầng của tên lửa rơi vào đúng các khu vực đã thông báo và vụ phóng có vẻ thành công”. Nhận định tương tự cũng được Nhật Bản và Mỹ đưa ra. Tokyo đã không đánh chặn dù tên lửa bay qua tỉnh Okinawa của nước này.
 
Không lâu sau báo chí Nhật - Hàn, hãng thông tấn Triều Tiên KCNA chính thức xác nhận nước này phóng tên lửa tầm xa và đưa phiên bản thứ 2 của vệ tinh Kwangmyongsong-3 lên quỹ đạo thành công.
 
img
Người dân Hàn Quốc theo dõi thông tin Triều Tiên phóng tên lửa qua truyền hình tại Seoul ngày 12-12. Ảnh: AP

Truyền thông Nhật Bản nghi ngờ Triều Tiên “giương Đông kích Tây”, tháo tên lửa nơi này và phóng từ một vị trí khác. Tờ Asahi dẫn lời ông Haruki Nagata, giáo sư Khoa Không gian và Kỹ thuật môi trường Đại học Hokkaido, nhận xét: “Nếu tin Triều Tiên tháo dỡ tên lửa ngày 11-12 là đúng thì việc phóng tên lửa vào sáng hôm sau là không tưởng”.

Chưa rõ Triều Tiên “lừa” thế giới ra sao nhưng chắc chắn vị thế của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un sẽ được củng cố giữa lúc có cảnh báo về những bất ổn nội bộ. Ông Baek Seung-Joo, Viện Phân tích quân sự Hàn Quốc, cho biết vụ phóng đã giúp Bình Nhưỡng chứng minh được quyết tâm “hoàn thiện hệ thống vũ khí hạt nhân”. “Có vẻ Triều Tiên đang cố thuyết phục người dân rằng nước này vẫn vững vàng dưới sự dẫn dắt của nhà lãnh đạo mới và sẽ không bao giờ sụp đổ” - ông Baek nói.

Tuy nhiên, chính phủ Hàn Quốc ước tính với số tiền hơn 1,3 tỉ USD bỏ ra để thực hiện 2 vụ phóng tên lửa trong năm nay, Bình Nhưỡng có thể mua 4,6 triệu tấn bắp và đáp ứng nhu cầu lương thực trong nước trong vòng 4-5 năm.

Đe dọa thay đổi cục diện

Yonhap dẫn nhận xét của ông David Wright, chuyên gia cao cấp về an ninh toàn cầu, cho biết: “Thành công này có thể ảnh hưởng đến cách đánh giá về Triều Tiên”. Giới chức các nước, nhất là Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, sẽ không thể coi thường mỗi khi Bình Nhưỡng tuyên bố phóng tên lửa nữa.
 
Cũng theo Yonhap, đã xuất hiện chỉ trích đối với Tổng thống Mỹ Barack Obama. “Vụ phóng là hồi chuông cảnh báo mới nhất. Chính sách của Mỹ với Triều Tiên là một thất bại kéo dài” - ông Ed Royce, người sẽ trở thành chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Mỹ vào tháng tới, chê trách.
 
Còn ông Bruce Klingner, nhà nghiên cứu hàng đầu của Quỹ Heritage, phân tích: “Mối đe dọa của tên lửa đạn đạo Triều Tiên ngày càng nghiêm trọng và có thể trở thành nhân tố thay đổi cục diện”.
 
Thời điểm phóng tên lửa bất thường - vào mùa đông - cũng làm dấy lên nghi ngờ về động cơ chính trị của Bình Nhưỡng. Theo phân tích của đài CNN, phóng tên lửa vào thời điểm chuyển giao quyền lực ở các cường quốc Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc là cách để Triều Tiên chắc rằng mình không bị bỏ quên.
 
Theo Yonhap, cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc ngày 19-12 chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng lớn khi mà cử tri cảm thấy an ninh quốc gia bị đe dọa. Trong khi đó, Nhật Bản nhiều khả năng “diều hâu” hơn với Triều Tiên nếu Đảng Dân chủ Tự do (LDP) chiến thắng trong cuộc bầu cử hạ viện ngày 16-12.
 
Thành công lần này cũng cho thấy bước tiến lớn của Triều Tiên trong phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa sau khi nước này “khoe” đã sở hữu tên lửa vươn tới Mỹ vào tháng 10. Ông Bruce Bechtol, cựu phân tích viên tình báo quân đội Mỹ, cảnh báo: “Phổ biến vũ khí mới là mối đe dọa tức thời. Iran chắc chắn sẽ mua nhiều tên lửa loại này của Triều Tiên”.
 

Nhiều nước lên án

Ngày 12-12, Liên Hiệp Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và một loạt nước khác như Anh, Úc, New Zealand, Philippines... đều lên án việc Triều Tiên phóng tên lửa. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon gọi đây là “hành động khiêu khích” và “vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an”, còn phát ngôn viên Nhà Trắng Tommy Victor đe dọa “hành vi vô trách nhiệm” của Triều Tiên sẽ tự cô lập nước này.

Hội đồng Bảo an họp khẩn cấp vào trưa 12-12 (giờ địa phương), trong đó Mỹ - Nhật - Hàn được cho là sẽ thống nhất kêu gọi tăng trừng phạt Triều Tiên lên ngang mức với Iran. Tuy nhiên, nhiều khả năng kêu gọi này sẽ vấp phải phản đối từ Trung Quốc, đồng minh lớn duy nhất của Triều Tiên đồng thời giữ quyền phủ quyết. Cùng ngày, Bắc Kinh cũng lên tiếng nhưng chỉ dừng lại ở việc “nhắc nhở” Triều Tiên nên tuân thủ các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc - không được phóng tên lửa có sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo - trong lúc “thực hiện quyền khám phá vũ trụ một cách hòa bình như mọi quốc gia khác”.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo