Xuất hiện với tư cách cha đẻ của những ca khúc đình đám trong những năm 1990 nhưng sau đó, họ lần lượt “mất tích” trên thị trường âm nhạc.
Làm “dzẽ sư”, móc bún...
Nhạc sĩ Vũ Quốc Việt (vốn nổi tiếng với những ca khúc ăn khách một thời như Còn đó chút hồng phai, Gót hồng, Bóng cả, Bởi thế ta yêu nhau, Bình thường thôi, Ru lại câu hò… nói anh đang làm nghề “dzẽ sư”. Thoạt nghe, mọi người tưởng rằng anh bỏ nghề sáng tác nhạc đi dạy vẽ. Tuy nhiên, nghề “dzẽ sư” mà anh đang làm là nói lái của giữ xe. Vợ mở quán bún mắm, anh không có công ăn việc làm gì thì hằng ngày ra giúp chị giữ xe cho khách.
Còn nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy (từng có các ca khúc ăn khách: Bờ bến lạ, Bến vắng, Đò xưa, Đời em không lẻ loi, Người thầy, Người về cuối phố, Nhạt phai…) tiết lộ anh đang chuẩn bị cho một dự án sản xuất phim để phục vụ người đẹp của mình, diễn viên Lê Kiều Như. Công việc kiếm sống của anh hiện nay là phụ trách giải thưởng âm nhạc của trang thông tin điện tử Zing.
Nói về công việc hiện tại của mình, nhạc sĩ Quốc An (một thời nổi tiếng với: Cây đàn sinh viên, Ánh sao buồn, Hát với dòng sông, Hát cho người ở lại…) nói nửa đùa nửa thật: “Tôi dành hết thời gian đi đòi nợ và kiện tụng vụ nhà cửa”. Người thực sự biến mất khỏi thị trường nhạc Việt có lẽ là Trường Huy (tác giả của nhiều ca khúc ăn khách: Cô bé mắt nai, Cho em lời cuối, Lời cuối cho em...). Không ít người trong giới bảo: “Lâu lắm chẳng thấy anh ta xuất hiện, chỉ nghe phong thanh mới cưới vợ thôi. Chắc cũng đang bận bịu với công việc làm ăn kinh doanh nên không có thời gian viết lách vì lâu rồi cũng không thấy sáng tác mới của anh ta”.
Một trong những tên tuổi “đình đám” một thời cũng “lặn mất tăm” là nhạc sĩ Trần Minh Phi, tác giả ca khúc Hôn môi xa. Thay cho thời gian ngồi la cà ở văn phòng Hội Âm nhạc TPHCM để giao lưu với người trong nghề và sáng tác như trước đây, anh dành trọn thời gian của mình phụ giúp anh trai làm công việc trưởng phòng truyền thông tại Trường Suối Nhạc.
Tạo nhiều ấn tượng nhiều những ca khúc mang âm hưởng dân ca gắn liền với các ca sĩ Đan Trường, Cẩm Ly nhưng thời gian gần đây, nhạc sĩ Hồng Xương Long gần như không còn xuất hiện. Anh bảo: “Dạo này tôi về quê (Buôn Ma Thuột) sống rồi nên cũng bận bịu với công việc kinh doanh. Mà cơ bản, cuộc sống ở quê cũng chẳng cần bon chen gì nhiều nên nếu trước đây, ở TPHCM, tôi viết 10 bài thì giờ chỉ 3 - 4 bài là nhiều rồi”. Trong khi đó, nhạc sĩ Võ Đông Điền, tác giả của Tiếng hát chim đa đa, Xin đừng trách chim đa đa, thì bận rộn với công việc hành chính (Chủ tịch Hội Văn nghệ tỉnh Bình Dương) cộng với sự “nản” nghề nên anh không còn viết nhiều như trước đó.
Thiếu cảm hứng
“Đã qua cái thời viết ca khúc bán để kiếm tiền bởi rõ ràng, tiền tác quyền của nhạc sĩ không nhiều, còn kiếm danh thì cũng đã có danh rồi. Mọi thứ lúc này cần phải được chỉn chu nếu muốn tác phẩm của mình ra mắt công chúng” - nhạc sĩ Võ Hoài Phúc nói. Nhạc sĩ Ngọc Châu (tác giả của Thì thầm mùa Xuân) lý giải: “Sự thật là tôi không có gì mới nên không muốn xuất hiện. Tôi vẫn làm việc hằng ngày đấy chứ! Tôi nhận thấy ca sĩ bây giờ rất nhiều nhưng tìm được người vừa có giọng hát hay vừa có tư duy âm nhạc tốt là rất khó. Tôi cũng tìm kiếm suốt trong các cuộc thi nhưng có lẽ vì mình khó tính quá nên chưa thấy được ai ưng ý. Nếu như người này có giọng thì lại suy nghĩ nông nổi, non nớt quá. Dường như cuộc sống bây giờ làm cho người ta dễ dãi hơn”.
Nhạc sĩ Việt Anh cho biết: “Thật ra, nhạc sĩ không quá kén chọn người hát. Tuy nhiên, nếu ca sĩ và người viết nhạc là 2 thế hệ khác biệt nhau, thật khó để có thể tìm được tiếng nói chung, hòa hợp hay đồng điệu. Với ca sĩ trẻ hôm nay, những nhạc sĩ như chúng tôi có thể đã quá lỗi thời”. Đây cũng chính là lý do mà nhạc sĩ Hồng Xương Long viết ít hơn trước. Anh giải thích: “Mình đâu cần tiền như trước để trang trải cuộc sống mà phải “cày bừa”. Nếu một ca khúc của tôi thật hay nhưng không tìm được một giọng ca phù hợp để thể hiện thì tôi thà để nó trong ngăn tủ còn hơn”.
Là một cây bút tạo ấn tượng với những sáng tác được giới chuyên môn đánh giá xuất sắc nhưng vài năm nay, nhạc sĩ Đỗ Bảo (tác giả Bức thư tình thứ nhất, Bức thư tình thứ hai...) cũng không còn thường xuyên giới thiệu ca khúc mới. Anh bảo: “Tôi vẫn viết nhưng hơn 1 năm qua, tôi dành toàn lực để thực hiện dự án mới cho Trần Thu Hà. Điều tôi mong là một sản phẩm thực sự tạo dấu ấn chứ không phải sự tăng trưởng về số lượng”.
“Thật ra, cho ra đời một ca khúc có giai điệu đẹp thôi thì không khó nhưng làm sao để nó phù hợp với tâm lý và ý tưởng của mình thì lại là một vấn đề. Tôi không muốn viết một ca khúc mà vào tai này lại ra tai kia của người nghe. Có thời gian, tôi thấy ngỡ ngàng vì xung quanh mình có nhiều sự thay đổi quá. Tôi thấy mình lạc lõng, xa lạ với mọi thứ và không biết làm cách nào để thích nghi. Tôi quen với những điều rõ ràng, trong sáng, rành mạch nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng thế. Mình phải tìm hiểu, mất thời gian để làm quen và chấp nhận sự thay đổi nhanh chóng đó. Vì thế, có quãng thời gian tôi không sáng tác được. Bởi, tôi không thể viết cái không có thực mà phải viết những điều mình cảm nhận được và hiểu thấu nó” - nhạc sĩ Ngọc Châu thổ lộ.
Bình luận (0)