Có thể nói không ai rành dân “đá xế” (trộm xe) hơn các “hiệp sĩ” Bình Dương. Hơn 10 năm “hành hiệp”, đến nay, các anh đã theo dõi, bắt quả tang hàng trăm đối tượng trộm cắp xe máy. Thậm chí, có tuần, các “hiệp sĩ” bắt được hơn 10 gã “đá xế”, mỗi tên đều mang trong người ít nhất một chiếc đoản phá khóa.
Chỉ cần 3 giây!
Theo ông T., điều đáng lo là hầu như dân “đá xế” nào cũng rành cách chế đoản
Hoàng Anh cho biết những tay “đá xế” thường thủ ít nhất trong túi 3-4 đoản phá khóa khác nhau. “Đoản đầu dẹp và dài dùng để phá khóa các loại xe thông thường; đoản vừa dẹp vừa to, ngắn thì xài cho SH, Dylan. Riêng đoản 4 cạnh chuyên dùng để phá khóa đặc biệt” - Hoàng Anh giải thích.
Trong một lần theo chân “hiệp sĩ” Bình Dương phục bắt dân “đá xế”, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến thủ thuật dùng đoản của các đối tượng trộm cắp xe máy. Hôm đó, Hoàng Anh đang ngồi uống cà phê cùng chúng tôi ở ngã tư Chợ Đình - TP Thủ Dầu Một thì phát hiện 2 thanh niên đi xe máy biển số 36 (Thanh Hóa) rất khả nghi. “Hình như mấy năm trước, tui đã bắt quả tang 2 thằng này “đá” chiếc xe máy của công nhân. Chắc tụi nó mới thụ án xong vừa về. Dáng điệu của chúng thế này chắc là đang rình “mồi” gì đây” - Hoàng Anh dự đoán.
Những mẫu đoản dùng để phá khóa xe máy
Đứng cách tay thanh niên khoảng 50 m, tôi thấy rõ tay trái gã cầm điện thoại giả vờ đang gọi cho ai đó, tay phải móc từ túi quần jeans ra một vật được bọc trong khẩu trang. Mắt gã cứ liếc ngang ngó dọc. “Hiệp sĩ” Hoàng Anh bấm tôi, hạ giọng: “Quan sát kỹ nó nhé”. Tôi căng mắt nhìn và phát hiện gã thanh niên bóp bóp cái khẩu trang trong lòng bàn tay để đầu nhọn của đoản phá khóa xe máy lòi ra ngoài. Sau đó, gã tra ngay đầu đoản vào ổ khóa chiếc Future.
Hoàng Anh vừa lẩm bẩm đếm “1… 2… 3” vừa nhảy xổ đến gã thanh niên để bắt quả tang. Sau 3 tiếng đếm của “hiệp sĩ”, tên “đá xế” đã phá xong khóa chiếc Future một cách chóng vánh. May cho tên trộm, khi Hoàng Anh lao tới, một thực khách lại bước vội từ trong quán ăn ra, cú va chạm khiến cả 2 choáng váng. Thấy bị động, tên “đá xế” vội bỏ chiếc Future lại, vọt lên xe đồng bọn tẩu thoát.
Gặp “bậc thầy” chế đoản
Nghe chúng tôi thắc mắc đoản phá khóa được chế thế nào, ai là người cung cấp cho dân “đá xế”…, các “hiệp sĩ” Đội Phòng chống tội phạm phường Hiệp Thành liền giới thiệu đến ông T. “Ông này là bậc thầy chế đoản phá khóa xe máy bán cho các đối tượng trộm cắp ở vùng “tam giác đen” giáp ranh Bình Dương - TPHCM - Đồng Nai. Được chúng tôi thuyết phục, phân tích thiệt hơn, ông T. đã giải nghệ” - Hoàng Anh cho biết.
Gặp chúng tôi, ông T. không ngần ngại nói về cái “nghề kiếm cơm” một thời của mình. “Chỉ cần bỏ ra 50.000 đồng là cũng có thể sở hữu một chiếc đoản rồi nhưng trước đây, tôi làm ra đoản nào cũng đều bán từ 250.000 đồng trở lên” - người đàn ông trên 50 tuổi, có đôi chân mày rậm rì đậm nét giang hồ này tiết lộ.
Theo ông T., một chiếc đoản phá khóa xe máy có 2 bộ phận chính, một là tay cầm (còn gọi là cần câu, chữ T…, thường làm bằng inox), hai là đầu vít (thường bằng thép, dài khoảng 8 cm). “Tay cầm và đầu vít là những dụng cụ sửa chữa xe máy, tháo vặn ốc vít quen thuộc. Chúng có thể mua dễ dàng ở bất kỳ cửa hàng, đại lý bán các mặt hàng bù lon, ốc vít nào. Chế đoản phá khóa xe máy tức là chế đầu vít sao cho nó có thể đút lọt vào ổ khóa. Khi bàn tay bẻ cần câu thì nó truyền lực đến đầu vít. Đầu vít sẽ phá tan những viên bi trong ổ khóa xe máy giúp dân “đá xế” có thể khởi động xe rồi cuỗm đi” - ông T. giải thích.
Một đầu vít bán tại các cửa hàng chỉ khoảng 5.000-10.000 đồng, trong khi một tay cầm loại tốt do Nhật sản xuất cũng chỉ trên dưới 40.000 đồng. Ông T. cho biết hơn 5 năm trước, ông chế và bán đoản rất đắt hàng nhưng càng về sau càng ế vì dân “đá xế” đều biết cách tự chế dụng cụ này. Bằng những đồ nghề còn giữ lại của mình, ông T. chỉ cho chúng tôi cách chế một chiếc đoản trong vòng 15 phút. “Đây là cách làm đoản mà hiện nay, tay “đá xế” nào cũng rành rọt” - ông lo ngại.
Ông T. kê đầu vít vào máy mài, mài dẹp khoảng 4 cm. “Đây là phần đút vào ổ khóa xe máy để phá” - ông phân tích. Mất hơn 5 phút mài, đầu đoản đã hoàn thành. Sau đó, phần đầu vít vừa mài được trui bằng lửa của máy khò... Theo ông T., dù biết cách làm nhưng phần lớn các đoản do dân “đá xế” chế ra đều không bền, chỉ xài được vài lần đã gãy, chưa kể phá khóa không được “ngọt”. “Phải có bí quyết. Tuy nhiên, tui sẽ không tiết lộ với ai vì nói ra, lỡ bọn “đá xế” nghe được mà học hỏi thì nhiều người dân lại khổ vì chúng” - ông T. ưu tư.
Đoản phá khóa ô tô tràn ngập
Ông T. cho biết gần đây, nhiều đối tượng trộm cắp đã tìm tới ông để đặt hàng chế nhiều đoản phá khóa theo mẫu mà chúng mang tới. “Tụi này sẵn sàng trả 500.000 đồng một chiếc đoản như vậy nếu tui chế được giống nguyên mẫu. Tui đã từng làm hàng trăm chiếc đoản phá khóa xe máy rồi nhưng chưa hề gặp mấy mẫu như thế. Thấy lạ, tôi dò hỏi thì mới biết đó là các loại đoản dùng để phá khóa ô tô mà bọn trộm mua về với giá hàng triệu đồng mỗi chiếc” - ông T. băn khoăn.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, một số trang rao vặt tiếng Việt rao bán tràn lan các loại “đoản thần” chuyên phá khóa ô tô với giá từ 1 triệu đến 3 triệu đồng/chiếc. Một tay chuyên bán loại đoản này qua mạng quả quyết: “Bọn em có mối cung ứng đầu vam (đầu đoản, phần đút vào ổ khóa - PV) hàng loạt, ai cần bao nhiêu cũng có. Đầu vam được làm từ thép của Đức, chắc vô đối, bẻ khóa cả trăm ô tô du lịch cũng không gãy. Dùng đoản này, mỗi ô tô bẻ khóa không quá 5 phút”.
Bỏ ăn vì mất xe Cuối tháng 11-2012, Đội Phòng chống tội phạm phường Hiệp Thành nhận được điện thoại cầu cứu của công nhân Phan Hoàng Cương, 23 tuổi, quê Hậu Giang. Anh Cương than thở: “Em làm ở KCN Mỹ Phước, huyện Bến Cát - Bình Dương. Sáng 20-11, em mượn đứa bạn chiếc Exiter đi làm nhưng bị trộm mất tiêu rồi. Bây giờ em không biết lấy đâu ra 45 triệu đồng để đền cho bạn. Mấy bữa nay em buồn quá, ăn cơm nuốt không trôi”. Sau đó, anh Cương trực tiếp gặp chúng tôi để trình bày rõ vụ việc. Quả thật, đôi mắt anh thâm quầng vì mất ngủ, người cũng gầy tọp, hốc hác do bỏ ăn… Ước tính tại khu vực giáp ranh TPHCM - Đồng Nai - Bình Dương, bình quân mỗi năm có hàng ngàn xe máy bị bọn trộm phá khóa lấy. Theo VKSND thị xã Dĩ An - tỉnh Bình Dương, chỉ tính riêng số xe trộm cắp do băng nhóm của Nguyễn Văn Năm (quê Quảng Bình) tiêu thụ đã hơn 2.000 chiếc (từ tháng 4-2010 đến 7-2011). Băng nhóm này đã ra tòa và lãnh án vào cuối tháng 8 vừa qua.
Anh Phan Hoàng Cương rầu rĩ vì mất xe |
Bình luận (0)