Ngay tại cuộc họp bàn gần đây nhất giữa Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) và các đội bóng, giải pháp mà một số đội đưa ra vẫn chỉ là… giảm lương để không phải sa thải hàng loạt cầu thủ. Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp, tổ chức được kỳ vọng như phao cứu sinh với cầu thủ, dường như đã bị quên bẵng dù chính VPF là người khởi xướng đề xuất thành lập. Trong lúc các cơ chế bênh vực quyền lợi hợp pháp của dân quần đùi áo số hoạt động không hiệu quả, “tự cứu mình” chính là cách tốt nhất lúc này với các cầu thủ.
Nhận thức đúng giá trị bản thân
Ảnh: HẢI ANH
Phó Chủ tịch VFF kiêm Tổng Giám đốc VPF Phạm Ngọc Viễn cho rằng lúc này, vẫn được chơi bóng đã là một may mắn. Theo ông Viễn, nhiều cầu thủ vài năm trước còn có mức lót tay nhiều tỉ đồng, mới chỉ vài tháng suy thoái thì chưa thể nói là khó khăn tới mức không có tiền để lo cho gia đình. Ông Viễn thừa nhận có nhiều cầu thủ xứng đáng được hưởng một mức lương tốt vì bóng đá là môn đặc thù, tuổi nghề ngắn trong khi họ có trình độ chuyên môn tốt nhưng trong bối cảnh hiện tại thì không thể đòi hỏi hơn từ các đội bóng hay ông bầu.
Tiền vệ Thành Lương của CLB Bóng đá Hà Nội, đội bóng đã bị xóa sổ của bầu Kiên, cho biết: “Từ trước tới giờ, tôi chưa bao giờ mặc cả lương với đội bóng, hiện tại cũng vậy. Tôi hiểu bây giờ duy trì mức thu nhập như trước đây là rất khó. Lúc này, tôi chỉ mong sớm tìm được một bến đỗ ổn định”. Thành Lương là một trong số ít cầu thủ không bị ngộ nhận về giá trị bản thân dù là ngôi sao. Tuy nhiên, theo bầu Đệ, nhiều cầu thủ hiện vẫn “ra giá” với đội bóng và mắc bệnh sao rất nặng. Điều đó chỉ làm các đội bóng nản hơn với bóng đá.
Ông Trần Duy Ly - Trưởng BTC V-League - cho biết: “Cầu thủ trẻ bây giờ mà không chơi bóng thì chỉ biết… ra đường bán sức lao động nhưng họ chỉ được đào tạo để chơi bóng chứ không thể làm gì khác”. Vì thế, vấn đề đặt ra là khi các đội bóng chỉ chăm lo cho đôi chân mà bỏ rơi “cái đầu” của cầu thủ, hệ quả lúc gặp khủng hoảng là rất nặng nề.
Hiệp hội: Cần nhưng chưa đủ
Khi VPF ra đời, những ông bầu trong HĐQT từng nhắc tới việc xúc tiến ra đời hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp nhưng đến nay, các cầu thủ gần như vẫn phải tự “bơi” để sống. Chủ tịch HĐQT VPF Võ Quốc Thắng nói: “Một hiệp hội cầu thủ không chỉ có chức năng bảo vệ, bênh vực quyền lợi hợp pháp dựa trên quy chế, điều lệ và luật pháp Việt Nam mà còn phải giúp nâng cao ý thức, trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của cầu thủ nội. Hiệp hội cũng không thể là chiếc phao cứu sinh cho cầu thủ”.
Ông Thắng khẳng định hiện nay, các cầu thủ vẫn có thể dựa vào những cơ chế đang có. VFF có Ban Pháp lý và tư cách cầu thủ. Sắp tới, khi Ban Đạo đức chính thức hoạt động, các cầu thủ cũng sẽ được tư vấn để được hưởng những quyền lợi chính đáng.
Không muốn hạ giá cầu thủ?
Giám đốc điều hành CLB Xi măng Sài Gòn Xuân Thành, ông Trần Tiến Đại, cho rằng việc tiếp tục hạ lương cầu thủ thấp hơn mức hiện nay không phải là giải pháp cứu nền bóng đá mà thậm chí còn khiến giải đấu đi xuống hơn nữa. Ông Đại giải thích: “Mỗi đội bóng có một cơ chế và điều kiện tài chính khác nhau, nếu muốn thu hút người giỏi và đạt mục tiêu cao thì vẫn phải trả lương xứng đáng”.
Người được cho là “siêu cò” của bóng đá Việt Nam này cũng từng phản đối việc dự định cấm “lót tay” khi chuyển nhượng mà VPF đưa ra nhằm ngăn khủng hoảng tài chính. Dù vậy, không ít ông bầu và HLV cho rằng chính sự thổi giá của dân môi giới đã khiến cầu thủ ảo tưởng về giá trị thật và rơi vào “bi kịch” như hiện nay. |
Cầu thủ phải trích tiền nuôi hiệp hội Ông Phạm Ngọc Viễn, với tư cách là Trưởng Ban Bóng đá chuyên nghiệp của VFF, từng phác thảo cơ cấu tổ chức của hiệp hội cầu thủ. Theo đó, tổ chức này phải đứng độc lập với VFF và VPF, đặc biệt phải có hẳn một đội ngũ luật sư chuyên về luật thể thao, có kinh nghiệm trong những tranh chấp pháp lý bóng đá. Để làm được điều này, cầu thủ phải trích một phần thu nhập nuôi hiệp hội, giúp hiệp hội mạnh lên. Để hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp có thể ra đời vẫn còn là một chặng đường dài. Theo ông Viễn, nếu cầu thủ tự trau dồi học vấn, có ý thức rõ ràng về nghề nghiệp thì không bao giờ sợ khủng hoảng. Ông Viễn cho rằng việc cầu thủ chuyển sang làm HLV, hoặc thậm chí kinh doanh từ những số vốn tích lũy được trong những năm tháng chơi bóng, là đáng hoan nghênh. “Chỉ sợ cầu thủ đốt tiền vào những cuộc chơi rồi đến lúc khó khăn thì không biết làm việc gì, không biết lấy tiền đâu ra lo cho bản thân” - ông Viễn nói. |
Bình luận (0)