Năm 2000, TP Buôn Ma Thuột đã đưa vào sử dụng bãi chôn lấp chất thải rắn ở xã Cư Êbur có diện tích 22 ha, bảo đảm xử lý toàn bộ rác thải của TP đến năm 2005. Hiện mỗi ngày có khoảng 170 tấn rác thải của TP vẫn phải đưa ra bãi rác này.
Hồ xử lý nước thải của TP Buôn Ma Thuột bốc mùi hôi thối, làm đảo lộn cuộc sống của người dân xung quanh
Sống chung với ô nhiễm
Rác sau khi đổ về bãi sẽ được máy ủi dồn lại. Để hạn chế bớt ruồi, mùi hôi, hằng tháng, đơn vị quản lý bãi rác đã phun khoảng 30 lít thuốc diệt ruồi và chế phẩm sinh học. Theo thiết kế ban đầu, sau khi đổ đầy rác vào các ô dày 2,5 m phải phủ lên lớp đất khoảng 0,3 m nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, hiện nhiều chỗ rác cao hơn mặt đất từ 5-7 m do không có thiết bị đầm nén, không có đất phủ lên.
Để có chỗ đổ rác, các công nhân phải mồi lửa cho cháy âm ỉ quanh năm. Một lượng khói rất lớn thải ra, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Mỗi khi trời mưa, nước từ bãi rác chưa được xử lý chảy ra môi trường xung quanh. Điều đáng lo ngại là phần lớn rác thải y tế trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột được đổ chung vào rác thải sinh hoạt do chưa có hệ thống xử lý rác thải y tế.
Trong khi đó, hàng trăm người dân ở các khối 6, 7, 11 và buôn Ky, phường Thành Nhất, TP Buôn Ma Thuột bị “tra tấn” bởi hồ xử lý nước thải sinh hoạt của TP từ năm 2007 đến nay. Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết hệ thống xử lý nước thải của TP Buôn Ma Thuột sử dụng công nghệ hồ sinh học tự nhiên của nước ngoài, tự hình thành màng cứng hữu cơ trên mặt hồ để ngăn mùi hôi phát tán.
Thực tế màng hữu cơ này luôn bị gió, mưa xé toạc, ít khi phủ kín được mặt hồ nên gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng. “Chúng tôi phải đóng cửa cả ngày lẫn đêm nhưng mùi cống rãnh, mùi phân người cứ xộc vào nhà, ăn không ngon, ngủ không yên. Nhiều hộ dân muốn bán nhà chạy trốn ô nhiễm nhưng cũng ít người bán được vì không ai mua...” - ông Phạm Xuân Nghĩa, ở tổ 54 khối 6, nói.
Cơ quan chức năng né tránh
Ông Bùi Văn Quý, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý Đô thị và Môi trường Đắk Lắk - đơn vị quản lý bãi rác và nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt TP, cho biết dự án xây dựng bãi rác TP giai đoạn 2 được phê duyệt từ năm 2007 với tổng vốn hơn 65,9 tỉ đồng, trong đó có hệ thống xử lý rác thải y tế. Đến nay, mới giải ngân hơn 10 tỉ đồng nên không có tiền nâng cấp, cải tạo bãi rác.
Riêng công ty đang đàm phán với nhà tài trợ để xây dựng nhà máy xử lý rác thải tại xã Hòa Phú với diện tích trên 100 ha. Dự kiến, sau năm 2015, nhà máy sẽ đi vào hoạt động. Đối với nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt, tháng 3-2011, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có chủ trương quy hoạch vùng đệm để cách ly nhà máy với khu dân cư nhưng đến thời điểm này, đơn vị tư vấn chưa lập xong quy hoạch nên chưa biết khi nào thực hiện dự án.
Khi được hỏi từ đầu năm 2012 đến nay, Chi cục Bảo vệ Môi trường Đắk Lắk đã mấy lần phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra tình trạng ô nhiễm môi trường của điểm xử lý rác thải, ông Nguyễn Hoàng Tùng, chi cục trưởng, trả lời “không nắm”.
Trao đổi qua điện thoại, ông Nguyễn Hữu Thịnh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Lắk, cho rằng tìm hiểu về ô nhiễm môi trường thì qua Chi cục Bảo vệ Môi trường là đúng chỗ vì họ biết rất rõ. “Các đợt kiểm tra đều do ông Tùng đề xuất, sao lại nói không biết?” - ông Thịnh nói.
Xin tiền tỉnh để... nộp phạt
Cuối năm 2010, Tổng cục Môi trường đã thanh tra và kết luận Công ty TNHH MTV Quản lý Đô thị và Môi trường Đắk Lắk có nhiều sai phạm trong vấn đề bảo vệ môi trường. Từ kết quả này, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có Quyết định 2758 xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường đối với công ty nói trên số tiền 118 triệu đồng. Ngay sau khi có quyết định, lãnh đạo công ty đã có công văn đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk hỗ trợ 118 triệu đồng để… nộp phạt. Chính vì vậy, quyết định xử phạt hành chính không được thực thi vì “đâu cũng vào đấy”. |
Bình luận (0)