“Quá sức chịu đựng”, “đổ gánh nặng ngân sách lên vai người dân”, “không chia sẻ khó khăn với số đông lao động nghèo”... là ý kiến của hàng ngàn bạn đọc phản hồi với thông tin thu phí bảo trì đường bộ (BTĐB) từ ngày 1-1-2013.
“Phí tăng, miếng ăn nhỏ lại”
Trước “quyết tâm” thu phí BTĐB của Bộ GTVT, bạn đọc Hoàng Lân, bức xúc: “Hiện nay, khi tham gia giao thông người dân phải đóng nhiều khoản tiền nhưng họ không biết đóng để làm gì, ai thụ hưởng ? Có phải những khoản tiền này để xây trụ sở ngàn tỉ của Bộ GTVT ? hay mua xe hàng trăm triệu cho các đội thanh tra giao thông ở Đồng Nai, Tây Ninh? Theo cách nói của các quan chức ngành giao thông, đóng tiền là nghĩa vụ và trách nhiệm cũng là “quyền lợi” và “vinh dự” của mỗi người dân là “yêu nước” thì chúng tôi hoang mang quá. Cuộc sống còn nghèo, nếu buộc phải đóng phí thì nhiều người phải nhịn ăn, nhịn mặc, nhịn mua sữa cho con, mua cháo cho ông bà... để đóng”.
Bạn đọc Ngô Minh Phú, phân tích: “Người dân chật vật lo cơm, áo, gạo, tiền trong khi vật giá mỗi ngày mỗi lên nên đồng lương càng ngày càng teo tóp lại. Ra đường nơm nớp lo sợ tai nạn giao thông, đường xá thì đầy ổ gà, ổ voi, ngồi trong nhà cũng lo sợ cướp giật. Các công trình công cộng thì đụng vào chỗ nào là có tham nhũng chỗ đó. Các tập đoàn nhà nước làm ăn thua lỗ nợ nần ngập đầu mà quan chức ở đây ông nào cũng sống phè phỡn, biệt thự, xe hơi, con cháu toàn học tận trời Tây... thử hỏi người dân nghèo làm sao đồng thuận với chủ trương thu thêm phí cho được”.
Không đồng tình với ý kiến của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường khi so sánh cách thu phí của Việt Nam với các nước, bạn đọc Tịnh Tâm, bức xúc: “Nước ta còn nghèo, thu nhập của người dân thuộc loại thấp của thế giới, sao cái gì cũng so với thế giới ! So sánh sao nổi khi thu nhập của họ cao gấp ta hàng chục, thậm chí cả trăm lần!”.
Bạn đọc này cho biết thêm, thu phí qua xăng dầu là hợp lý nhất, nhưng vì thu thuế ở xăng dầu quá cao rồi nên đành thu qua đầu phương tiện. Đáng lẽ nhà nước phải tìm cách kích cầu để phát triển kinh tế nhưng nay lại “đẻ” thêm phí BTĐB thì chẳng khác gì đánh vào hầu bao đã quá eo hẹp của người dân. Không còn cách nào khác họ phải thắt chặt chi tiêu, bớt xén vào khẩu phần ăn, giảm các khoản chi cho học hành, vui chơi của con cái...
Sửa đường rồi hãy thu phí
Trước thực trạng đường sá xuống cấp trầm trọng nhưng vẫn chăm chăm thu phí, bạn đọc Tư Ca, cho rằng: “Phí thì cương quyết thu, chất lượng đường bộ có được cải thiện? Quốc lộ 14 sau ngày 1-1-2013 có được nâng cấp hay vẫn là cái bẫy chết người? Buôn Ma Thuột là một thành phố lớn ở Tây Nguyên, mặc dù người dân nơi đây gánh hàng trăm loại thuế, loại phí nhưng đường sá nội thị thật là khủng khiếp. Đóng phí nhưng không cải thiện đường thì tiền của người dân đóng cũng chỉ “phí” mà thôi”.
Bạn đọc Trương Xuân Hiệp phân tích thêm: “Quá nhiều bất cập xảy ra khi thực hiện chủ trương mà không có nghiên cứu đến tình hình thực tế. Đường bộ ở Việt Nam quá tệ lại dày đặc các trạm thu phí. Tận thu như thế chưa đủ hay sao mà bây giờ lại thu thêm? Có lẽ ở VN đang hình thành một tâm lý: Cơ quan nào quản lý yếu kém gây thất thoát thì lại tìm cách tận thu để bù vào phần yếu kém của mình”.
Tỉ lệ nghịch giá thành làm đường và chất lượng Bạn đọc Thương Giang, nói thẳng: “Thu phí của người dân luôn dễ hơn thu hồi những thất thoát do tham nhũng, lãng phí ngày càng tràn lan. Ước tính thu loại phí này mỗi năm gần cả chục ngàn tỉ đồng. Đây là nguồn “hy vọng” lớn lao của Bộ GTVT nhằm trám vá, bảo trì những con đường “làm xong sẽ hỏng”, ví dụ như tuyến cao tốc HCM-Trung Lương, Cầu Giẽ-Ninh Bình... Có lẽ Việt Nam là nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ nghịch giữa giá thành xây dựng đường giao thông với chất lượng của nó”. |
Bình luận (0)