Một lần nữa, đại diện các trường đề cập vấn đề bất bình đẳng giữa trường công và trường tư. TS Nguyễn Văn Phúc, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Miền Đông, cho rằng trường ĐH công được “nuôi dưỡng”, còn ĐH tư phải “tự sống”, do đó trường ĐH ngoài công lập chịu thiệt thòi khi bị ràng buộc bởi điểm sàn. Nhà văn Nguyên Ngọc cũng cho rằng duy trì điểm sàn là bất hợp lý, đây là rào cản lớn khiến các trường ngoài công lập khó duy trì vai trò đào tạo 40% nguồn nhân lực.
Trong khi đó, một số đại biểu cho rằng với hoàn cảnh hiện nay, khó có thể bỏ “ba chung” và khó phá điểm sàn. Nếu không có điểm sàn, có thể xảy ra chuyện chỉ cần 1-3 điểm thí sinh cũng đậu ĐH. Do đó, điểm sàn cần được cân nhắc hợp lý, bảo đảm chỉ tiêu tuyển sinh của các trường.
“ĐH ngoài công lập đang tự giết mình khi định vị mình ở vị trí phía dưới và chấp nhận khái niệm phân tầng. Tại sao lại định hình quan điểm sinh viên học trường công thì tốt, còn trường tư thì phải chịu thua kém, thiệt thòi? Không nên phân biệt ĐH công lập và ĐH ngoài công lập mà chỉ nên phân biệt trường nào đào tạo tốt và trường nào đào tạo chưa tốt” - TS Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, bức xúc.
Theo bà Phượng, các trường cần được đảm bảo thực hiện đúng Luật Giáo dục ĐH, như được quyền xét tuyển, thi tuyển hoặc kết hợp cả hai phương án. TS Nguyễn Văn Phúc đề xuất các trường ĐH công lập cần trải qua cuộc tuyển sinh quy mô quốc gia để chọn được người tài, còn trường ĐH ngoài công lập cũng như các ĐH có vốn nước ngoài tại Việt Nam cần được tự tuyển sinh và không phụ thuộc vào kỳ thi ba chung.
Nhiều đại biểu cũng đề xuất có một buổi đối thoại trực tiếp với lãnh đạo Bộ GD-ĐT để tìm cách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc không chỉ vấn đề tuyển sinh mà còn nhiều vấn đề khác mà các trường ĐH ngoài công lập đang phải đối mặt.
Bình luận (0)