“Tôi không tin có ngày tận thế, tuy nhiên, vẫn coi ngày này như một dịp đặc biệt. Sau khi kết thúc giờ làm việc, tôi sẽ trở về nhà mà không đi la cà như mọi ngày để cùng gia đình ăn bữa cơm chung” - chị Hoàng Thị Quỳnh Dao, làm việc cho một công ty tại Đà Nẵng, nói.
Hẹn hò, ăn uống và... bàn tán
Anh Trần Thế Nam (ngụ quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) chia sẻ: “Đa phần mọi người đều không tin ngày tận thế là thật. Thế nhưng, tôi và rất nhiều người lại xem đây như một ngày lễ đặc biệt. Chính vì thế mọi người có thể tụ tập hay hẹn hò, ăn uống vào tối 20-12. Đó là cách làm để chào đón một ngày đặc biệt chứ không phải là tận thế”.
Nhiều địa phương của tỉnh Quảng Ngãi, chủ đề ngày tận thế cũng được bàn tán khắp nơi. Trong các quán cà phê ở khu trung tâm TP Quảng Ngãi ngay từ chiều 20-12 đã có hàng trăm bạn trẻ rủ nhau đi chào đón ngày tận thế. “Nếu có tận thế thật thì chúng em cũng đã được ngồi cùng bạn bè, cạnh những người thân của mình. Nhưng chắc chắn “ngày tận thế” chỉ là tin đồn nhảm, không xảy ra!” - em Trương Thị Hương, ngụ phường Quảng Phú, TP Quảng Ngãi, cho biết.
Ngày tận thế hả? Chúng tôi không tin!
Khắp các nẻo đường TP Nha Trang cờ hoa mừng Giáng sinh lộng lẫy. Nhiều khu du lịch, khách sạn nổi tiếng như resort Anamandara, Sunrise, Novotel… vẫn kín khách. Anh John đến từ nước Anh cho biết không quan tâm đến ngày tận thế, chỉ dành thời gian để nghỉ dưỡng. Leo, một du khách Hà Lan, cho rằng tận thế có hay không là tùy vào hành động của mỗi người. Đó là nhân quả, nếu con người không biết bảo vệ môi trường hành tinh của mình thì… “ngày tận thế” sớm muộn cũng có”.
Tại TPHCM, cuộc sống vẫn hối hả như mọi ngày. Khi được hỏi, hầu hết mọi người vẫn có niềm tin về tương lai sau ngày 21-12. Chị Nguyễn Ngọc Quỳnh Anh (ngụ quận Bình Thạnh - TPHCM) nói: “Tôi không quan tâm lắm đến ngày tận thế. Cứ đợi thời điểm đó đến, mọi chuyện sẽ rõ ràng. Tôi vẫn sống bình thường như mọi ngày…”.
20 giờ ngày 20-12, tại Trung tâm Bia ở 68 Huỳnh Thúc Kháng (quận Đống Đa - Hà Nội) lượng khách đông đến nỗi ngồi chật cả hai tầng lầu. Đây là nơi đã tận dụng “ngày tận thế” như một chiêu marketing bán hàng. Hai tấm bạt lớn ghi dòng chữ “Tiệc tận thế, giá tận gốc” đã trở nên nổi tiếng. “Vừa rẻ vừa vui, tội gì không đến. Gọi cho vui thôi chứ chả ai tin có tận thế. Mà nếu có tận thế thật thì giờ này mọi người đang ở cạnh gia đình, bố mẹ mình chứ không ai lại ra đây để ngồi!” - anh Nguyễn Văn Mừng (ngụ quận Thanh Xuân - Hà Nội) cùng nhóm bạn hồ hởi.
Cư dân mạng sôi sục Sự kiện ngày tận thế theo truyền thuyết của người Maya cổ khiến cư dân mạng chú ý từ lâu nhưng đến cận ngày 21-12 mới trở nên sôi sục. Trên khắp các diễn đàn, trang mạng xã hội Facebook, Twitter... đều cập nhật thông tin ngày tận thế cũng như những hội nhóm rủ nhau đi chơi, ăn uống vào ngày này. Tại Việt Nam, nhiều trang mạng lập ra những chủ đề dạng “Nếu tận thế có thật, hôm nay bạn sẽ làm gì?”, nhận được hưởng ứng từ cộng đồng mạng. Mỗi người có một cách biểu hiện khác nhau. Một số người cho rằng tốt nhất nên đi ăn một món mình thích nhất bên cạnh những người bạn thân thiết nhất vào giờ tốt nhất trong ngày 21-12. Một số khác đề nghị về nhà ngủ và không để ý gì đến ngày tận thế. Những bạn trẻ khuyên nhau nên tận hưởng mọi thứ tốt đẹp trên đời, rồi có “nhắm mắt xuôi tay” cũng đỡ ấm ức. Người khác lại thấy bất mãn vì chưa kịp có người yêu, chưa cưới mà đã “tận thế”. Không tỏ vẻ hoang mang hay lo sợ thái quá về ngày tận thế, cư dân mạng Việt Nam còn kêu gọi nhau nên bày tỏ với nhau những chuyện “giấu kín” trong lòng. Đây sẽ là dịp tốt nhất để những người yêu nhau thổ lộ. Trên thế giới, những bàn luận lẫn tranh luận về ngày tận thế diễn ra suốt thời gian gần đây, ý kiến mỗi người mỗi khác. Một bạn tin rằng thế giới sẽ kết thúc vào một ngày nào đó nhưng chắc chắn không phải vài ngày tới và những tin đồn tận thế không đúng. Trong khi đó, một bạn khác bày tỏ ý định lập kế hoạch thay đổi cuộc đời theo chiều hướng tích cực, tận dụng mọi người đang lo lắng về tận thế sẽ tìm kiếm một công việc tốt hơn, lương cao hơn.
Mai Phương (Tổng hợp) |
Bình luận (0)