“Hiệp sĩ” Thạch Đạt bị khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 tháng vào chiều 20-12 do hành vi “Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông” theo điều 202 Bộ luật hình sự.
Trước thời điểm bị bắt, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, anh Thạch Đạt cho biết: Tối 22-11-2011, anh đi uống nước với bạn ở quán ven đường thì phát hiện 2 đối tượng phóng xe máy rất nhanh, tay ôm bọc đồ. Tình nghi trộm cướp, máu “hiệp sĩ” nổi lên, Thạch Đạt bỏ bạn lại và phóng theo.
Nét mặt băn khoăn của "hiệp sĩ" Thạch Đạt vì không có tiền bồi thường cho nạn nhân vụ tai nạn.
Ảnh chụp trước khi Thạch Đạt bị bắt
Đến ngã ba Sư Gia (tỉnh lộ 743, phường Phú Hòa), anh Đạt tông phải nữ công nhân may Phạm Thị Thu Hiền (24 tuổi, ngụ phường Phú Hòa) đang dắt xe đạp băng qua đường. Anh Đạt chỉ bị thương nhẹ còn chị Hiền phải nhập viện trong tình trạng “nứt sọ thái dương phải”, “máu tụ màng cứng trái phải”, “dập não bán cầu trái” (theo chứng nhận thương tích của Bệnh viện Chợ Rẫy). Các bác sĩ Khoa Ngoại thần kinh của Bệnh viện Chợ Rẫy phải hai lần phẫu thuật, vá sọ cho chị Hiền.
Hiện nay, chị Hiền đã có thể đi lại, làm việc nhẹ. Trò chuyện với chúng tôi, Hiền kể người tông chị chạy với tốc độ quá nhanh, hơn nữa lúc đó là ban đêm nên Hiền không né kịp.
Theo tìm hiểu của Báo Người Lao Động, do thương tật của Hiền trên 31% và Thạch Đạt lái xe chạy quá tốc độ cho phép nên Thạch Đạt bị khởi tố bị can về hành vi “Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông”.
Nữ công nhân Hiền cùng mẹ
Theo yêu cầu của gia đình chị Hiền, anh Thạch Đạt phải bồi thường 60 triệu đồng thì mới được gia đình bãi nại. Tuy nhiên, hiệp sĩ Thạch Đạt lại quá nghèo nên không có tiền bồi thường.
Được biết, anh Thạch Đạt là người dân tộc Khmer, cũng là "hiệp sĩ" người dân tộc thiểu số duy nhất ở Bình Dương. Cách đây vài năm, anh lên Bình Dương chạy bàn cho một quán cà phê nhưng có máu "hiệp sĩ" nên anh theo nhiều thanh niên địa phương đi hành hiệp.
Một trong những giấy khen Công an tỉnh Bình Dương khen tặng "hiệp sĩ" Thạch Đạt
Trung tá Hà Văn Thanh, Trưởng Công an phường Phú Hòa, xác nhận Đạt là một “hiệp sĩ” xông xáo. Do Đạt chưa có hộ khẩu Bình Dương nên anh không phải là thành viên chính thức của Đội Phòng chống tội phạm phường Phú Hòa. Tuy nhiên phường Phú Hòa cũng đã cấp thẻ chứng nhận cộng tác viên cho Đạt.
Với thành tích bắt trộm cướp, anh Đạt đã nhận nhiều giấy khen của Công an tỉnh Bình Dương, chính quyền các huyện thị thuộc Bình Dương. Năm 2012, trong hơn 120 vụ bắt quả tang cướp giật của Đội phòng chống tội phạm phường Phú Hòa gần như vụ nào Đạt cũng tham gia.
Các “hiệp sĩ” Bình Dương mong cơ quan tố tụng xem xét cho Thạch Đạt được tại ngoại để có cơ hội ăn Tết cổ truyền cùng gia đình bạn bè.
Luật sư Trịnh Thanh, Trưởng Văn phòng luật sư Người Nghèo TPHCM, cho biết theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, thì cá nhân (ít nhất 2 người thân trong gia đình) hoặc tổ chức chủ quản của "hiệp sĩ" Thạch Đạt, có thể gửi đơn bảo lĩnh cho "hiệp sĩ" Thạch Đạt được tại ngoại.
Người làm đơn phải cam đoan không để bị can tiếp tục phạm tội và bảo đảm sự có mặt của bị can khi có giấy triệu tập của Cơ quan tố tụng. Tùy từng trường hợp cụ thể, nếu xét thấy tính chất mức độ của hành vi phạm tội, nhân thân, nơi cư trú của bị can đủ điều kiện thì Cơ quan tố tụng có thể sẽ cho phép "hiệp sĩ " tại ngoại. |
Bình luận (0)