xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tuổi trẻ can trường

MẠNH DUY

Trắc thủ Nghiêm Xuân Danh và phi công Vũ Xuân Thiều là hai anh hùng tiêu biểu trong chiến dịch 12 ngày đêm được Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tạc tượng đồng. Cả hai người đều đã hy sinh trước khi chiến dịch kết thúc

Trong quá trình lần tìm những câu chuyện lịch sử của chiến dịch Điện Biên Phủ trên không 40 năm trước, chúng tôi không khỏi ngưỡng mộ nhiều biểu tượng tuổi trẻ can trường và chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Liệt sĩ Nghiêm Xuân Danh và liệt sĩ Vũ Xuân Thiều là những con người như thế.
img
 Trận địa tên lửa Tiểu đoàn 77, nơi trắc thủ Nghiêm Xuân Danh hy sinh

 “Mắt thần” quả cảm

Tốt nghiệp Khoa Sử Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Nghiêm Xuân Danh tiêu biểu cho lớp trí thức trẻ sống mãi với Hà Nội - thủ đô của phẩm giá và lương tri con người như thế giới ca ngợi thời ấy. Tên tuổi của anh trở thành một phần lịch sử Tiểu đoàn 77 - Trung đoàn 257 anh hùng. Khi trận địa tên lửa của ta bị trúng tên lửa, bom bi rải thảm dày đặc, Nghiêm Xuân Danh vẫn bám trụ chiến đấu kiên cường và anh dũng hy sinh ngay trên vị trí quan sát.

Đại tá Nghiêm Đình Tích, nguyên phó Ban Tổng kết lịch sử Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ), đánh giá rất cao vai trò của bộ đội ra-đa trong trận chiến sinh tử 12 ngày đêm trên bầu trời Hà Nội. “Không có bộ đội ra-đa thì không nhìn thấy mục tiêu mà bắn. Thế nên, công đầu trong chiến thắng vĩ đại này là của bộ đội ra-đa” - đại tá Tích khẳng định.

Ông Phạm Hồng Hà, nguyên trắc thủ cự ly của Tiểu đoàn 77, giải thích: “Tìm diệt B52 trong dải nhiễu cần óc phán đoán và sự tinh nhạy tuyệt vời. Thời ấy, chính các chuyên gia Liên Xô cũng phải ngỡ ngàng với sự sáng tạo của bộ đội Việt Nam”. Theo ông Hà, các trạm ra-đa đặt xung quanh Hà Nội đã kiên trì tìm ra cách bắt đúng dải nhiễu của B52 giữa biển nhiễu trên màn hình, định hướng cho tên lửa hạ tới 34 “pháo đài bay”.

Tìm ra được B52 đã khó nhưng dám phát sóng để định hướng tên lửa tiêu diệt chúng còn khó gấp bội, bởi nếu phát hiện sóng ra-đa, lập tức máy bay địch sẽ phóng tên lửa hành trình tiêu diệt trận địa. Ông Hà cùng các đồng đội: Nghiêm Xuân Danh - trắc thủ kính ngắm quang học TZK, Nguyễn Văn Đức - sĩ quan điều khiển, Đỗ Đình Tân - trắc thủ phương vị, Lưu Văn Mộc - trắc thủ góc tà đã quyết mở máy phát sóng để “bắt” bằng được B52, cũng có nghĩa là họ sẵn sàng chấp nhận hy sinh.

Thời ấy, chàng trai trẻ mới 19 tuổi Nghiêm Xuân Danh được ví như con “mắt thần” quả cảm của đơn vị. Nhờ Danh mà trong nửa đầu chiến dịch, trận địa tên lửa đặt tại Chèm (Từ Liêm - Hà Nội) đã bắn rơi 4 chiếc B52. Khi đó, máy bay F111 của địch liên tục tăng dải nhiễu để bịt mắt ra-đa, các loại máy bay khác thì rú rít trên bầu trời để tìm diệt trận địa tên lửa của ta.

“Danh thường đứng ngay trên “chuồng cu”, mắt hướng thẳng lên trời bằng kính TZK. Danh không rời trạm ra-đa và vị trí chiến đấu nửa bước trong suốt 12 ngày đêm” - ông Hà cảm phục. Trưa 21-12-1972, trận địa tên lửa tại Chèm ven sông Hồng bị địch đánh phá ác liệt. Chòi quan sát TZK của Danh bị trúng bom, người trắc thủ trẻ tuổi anh dũng hy sinh khi cặp mắt vẫn hướng lên bầu trời để quan sát máy bay địch.

Biến mình thành tên lửa

Nghiêm Xuân Danh cùng với phi công Vũ Xuân Thiều là hai liệt sĩ anh hùng tiêu biểu trong chiến dịch 12 ngày đêm năm 1972 được Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tạc tượng đồng. Cả hai đều đã hy sinh trước khi chiến dịch kết thúc nhưng tên tuổi của họ còn mãi lưu danh. 

Đại tá Trần Cung, lúc ấy là thượng úy - tiểu đội phó tiểu đội bay đêm, bồi hồi cảm xúc khi nhắc đến người đồng đội quá cố Vũ Xuân Thiều: “Thời đó, chúng tôi xác định nếu tiếp cận được máy bay B52, kể cả có hết tên lửa và hỏa lực thì vẫn sẵn sàng biến mình và máy bay trở thành tên lửa diệt cho được “pháo đài bay”. Thiều đã có cơ hội làm điều đó và cậu ấy đã làm đúng như những gì tất cả chúng tôi nghĩ”.
img
Phi công Vũ Xuân Thiều đã hy sinh sau khi tiêu diệt một máy bay B52. Ảnh: TƯ LIỆU

Trong cuốn sách lịch sử Sư đoàn Không quân Thăng Long, thời khắc phi công Vũ Xuân Thiều hy sinh được ghi lại giống như một bản anh hùng ca: “Đêm 28-12-1972, Vũ Xuân Thiều được lệnh cất cánh từ sân bay Cẩm Thủy. Sở Chỉ huy Thọ Xuân dẫn anh bí mật bay vòng đằng sau đội hình B52. Đến vùng trời Sơn La, Vũ Xuân Thiều gặp địch. Khoảng cách giữa anh và chiếc B52 quá gần nên khi mục tiêu bốc cháy thì máy bay của anh cũng lao vào đám cháy. Anh đã anh dũng hy sinh”.

Tinh thần “Thép đã tôi thế đấy”

Ông Đỗ Đình Tân, nguyên trắc thủ phương vị của Tiểu đoàn 77, người có thời gian dài gần gũi với Nghiêm Xuân Danh từ khi anh nhập ngũ, nhớ lại: “Danh mê văn học Xô viết và có tâm hồn lãng mạn như một nhà thơ. Thỉnh thoảng, cậu ấy còn gửi những bài thơ viết vội ngoài mặt trận về nhà cho người thân”. Cảm phục anh, ông Tân đã giữ gìn kỷ vật là cuốn nhật ký của người đồng đội đến nay. Đưa cho chúng tôi xem một bài thơ của Nghiêm Xuân Danh, ông giải thích: “Tôi cứ nghĩ Danh làm bài thơ này cho người yêu nhưng thực ra, cậu ấy viết cho em trai: Anh tạm xa đất Bắc thân yêu/ Nhận tin anh chớ buồn nhiều em nhé/ Tuổi hai mươi đời còn non trẻ/ Anh vào trận lần này sức khỏe đang lên/ Lòng rộn vui khi vững gan bền/ Như cậu học trò thuộc bài lên bảng”... Danh vẫn chưa một lần biết yêu cho đến tận lúc hy sinh”.

Ông Tân cho biết sách gối đầu giường của Nghiêm Xuân Danh chính là cuốn Thép đã tôi thế đấy của Ostrovsky. “Những câu nói như tuyên ngôn của chàng trai trẻ Paven về lẽ sống luôn được Danh gạch chân. Từ khi vào quân ngũ, Danh luôn sống bằng những lời thề với bản thân: Nguyện chiến đấu và hy sinh để đất nước sớm có ngày hòa bình, im tiếng đạn bom”.

Kỳ tới: Hào khí Điện Biên Phủ trên không

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo