Cho dù ca sĩ là những tên tuổi lớn và có độ ăn khách không nhỏ: Tuấn Ngọc, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Tùng Dương nhưng nhiều ngày trước khi chương trình diễn ra, không ít người lo lắng cho đêm diễn thuần túy nhạc Trịnh này sẽ khó thu hút một lượng lớn khán giả như nhiều sô diễn giải trí khác. Giá vé cao nhất lên tới 3 triệu đồng/vé nhưng khán phòng nhà hát gần như đặc kín ngay sau giờ khai diễn.
Nhạc Trịnh lâu nay luôn có sức hút mạnh mẽ với những người biết thưởng thức nhưng việc đưa một chương trình nhạc Trịnh lên sân khấu ca nhạc để kinh doanh ở thời điểm trái mùa (không kỷ niệm ngày sinh hay ngày mất của tác giả) là sự tự tin đầy bản lĩnh của nhà tổ chức cùng ê kíp thực hiện và họ đã thành công.
Tiết mục song ca của ca sĩ Hồng Nhung và ca sĩ Mỹ Linh trong chương trình. Ảnh: VIỆT ĐỨC
Sự tự tin này xem ra là hoàn toàn có cơ sở. Cũng với Hồng Nhung, Mỹ Linh, Tuấn Ngọc, những giọng ca luôn thăng hoa trong những ca khúc của nhạc Trịnh, ngoài Tùng Dương lần đầu thử sức nhưng nhạc Trịnh trong Gọi tên bốn mùa nghe hay hơn, mới hơn và cũng thấm hơn qua sự cộng hưởng từ hòa âm phối khí mang màu sắc hiện đại của các nhạc sĩ trẻ: Đức Trí, Hoài Sa; của ban nhạc sống, nhóm bè đến cách chọn bài, dàn dựng hát song ca, tam ca, tứ ca của giám đốc âm nhạc của chương trình: nhạc sĩ Hồng Kiên...
Có thể khẳng định rằng những ca khúc của Trịnh Công Sơn luôn luôn mới và hay hơn nếu biết khai thác.
Thành công của chương trình Trịnh Công Sơn - Gọi tên bốn mùa củng cố thêm niềm tin cho giới tổ chức biểu diễn về một thị trường ca nhạc không chết, chỉ có điều chúng ta không biết cách làm cho nó sống mà thôi.
Bình luận (0)