Ngoài tiêu chí thuần Việt, Đất mặn và Đàn trời đều là phim xuất sắc của màn ảnh nhỏ trong năm qua, được giới chuyên môn đánh giá cao và được công chúng quan tâm. Đây cũng là những tác phẩm thể hiện sự nỗ lực, tâm huyết của các ê kíp làm phim.
Cảnh trong phim Đất mặn (ảnh do đoàn phim cung cấp)
Nếu đạo diễn Bùi Huy Thuần gặp vô vàn khó khăn trong việc tìm bối cảnh cho bộ phim khai thác đề tài đấu tranh chống tiêu cực thì đạo diễn Tường Phương cũng dãi nắng dầm mưa hằng tháng ròng rong ruổi khắp các tỉnh, thành phía Nam để có được những thước phim xúc động, chân thực về đời sống nông thôn.
Cuộc sống thực với những lát cắt muôn màu, chỉ khi nhà làm phim khai thác những giá trị thật, gần gũi, tác phẩm mới chạm vào cảm xúc số đông khán giả. Vì sao Đất phương Nam, Cải ơi, Xe lăn, Xóm suối sâu… trước đây trở thành những bộ phim ấn tượng khó quên? Vì sao những mảnh đời buồn trong cả 3 phần phim Ký sự pháp đình của đạo diễn Tường Phương khiến người xem phải nhớ? Còn vì sao những bộ phim bắt mắt từ bối cảnh, trang phục và dù có sự xuất hiện của hàng loạt diễn viên “hot boy”, “hot girl”… lại bị khán giả quay lưng. Câu trả lời chung chỉ có thể bắt đầu từ cái gốc “chân thực”.
Có lẽ không phải các nhà làm phim không nhận ra điều này nhưng thực hiện một bộ phim truyền hình đúng nghĩa là “tác phẩm”, đơn vị sản xuất phải chấp nhận rủi ro rất lớn, cốt yếu là chuyện đầu tư kinh phí cao nhưng khó thu hồi vốn. Mọi thứ vì thế ngày càng dễ dãi, phim truyền hình trở thành món ăn ngày càng nhạt nhẽo với những câu chuyện na ná nhau, thiếu đầu tư và được làm nhanh, làm ẩu.
Vẫn có những chuyện phim đủ sức khiến khán giả ngồi lại với màn ảnh nhỏ nhưng một vài giọt nước chẳng thể làm nên dòng chảy. Bộ phim Trở về của đạo diễn Việt Trinh - khởi từ nhân vật có thật, được đầu tư công phu, đoàn phim cũng chịu khó đi quay ở bối cảnh xa xôi - là một điểm sáng hiếm hoi trong diện mạo phim truyền hình trong năm.
Hai đạo diễn Bùi Nam Yên - Trần Quế Ngọc khi dốc sức cho Đỗ Quyên trong mưa (quay ở Đà Lạt) và Màu xanh đôi mắt (bối cảnh Phú Yên, sắp phát sóng) cũng nói rằng nếu như cứ làm việc trong áp lực thời gian và kinh phí thì đạo diễn cũng sẽ chẳng còn tâm trí đâu cho sáng tạo.
Với Quế Ngọc, mỗi bộ phim, do chính cô viết kịch bản, là một tác phẩm nghệ thuật mà bản thân cô muốn phiêu linh đến cùng trong đó. Vì vậy, phim nào của Ngọc cũng đầy cảm xúc, lắng đọng, số phận nhân vật gắn liền với cuộc đời thật nên dễ nhận được sự đồng cảm của số đông.
Kỳ vọng phim truyền hình sẽ trở lại thời làm phim “máu lửa, trách nhiệm, cống hiến hết mình chỉ để tạo ra những thước phim hay” ở thời điểm này có phải là điều xa vời?
Bình luận (0)