Thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Tổng cục VII - Bộ Công an), cho biết tình trạng vận chuyển, buôn bán, sử dụng pháo vẫn chưa có dấu hiệu giảm kể từ Tết Nguyên đán 2012.
Siêu lợi nhuận nên làm liều
Tuy nhiên, thống kê của Tổng cục VII cho thấy càng giáp Tết, các đầu nậu pháo lậu tìm mọi cách để qua mặt lực lượng chức năng tại các cửa khẩu, cảng biển. Đêm 23 rạng sáng 24-10, Chi cục QLTT phối hợp cùng Công an tỉnh Hải Dương đã phát hiện một xe tải vận chuyển 102 kg pháo các loại. Ngày 17-11, tại phường Hà Tu, TP Hạ Long - Quảng Ninh đã xảy ra vụ nổ lớn ở nhà riêng làm 1 người chết, 1 người bị thương. Sau khi khám nghiệm hiện trường, cơ quan chức năng xác định đây là vụ tàng trữ pháo với số lượng lớn (khoảng trên 2 tấn) từ Trung Quốc đưa về. Gần đây nhất là ngày 12-12, Công an TP Hà Nội đã bắt vụ vận chuyển gần 500 kg pháo được chứa trong 18 bao tải trên một chuyến xe khách chạy tuyến Cao Bằng - Lâm Đồng.
Theo ông Vệ, do phong tục tập quán ở một số địa phương, người dân vẫn tìm mọi cách để có tiếng pháo dịp Tết, vì vậy các đầu nậu bất chấp pháp luật để kiếm lời. “Mua pháo ở biên giới chỉ hơn 1.000 đồng/bánh nhưng đưa được vào nội địa tiêu thụ lên tới hàng chục ngàn đồng/bánh nên nhiều đối tượng sẵn sàng làm liều” - ông Vệ phân tích.
Tăng cường xử lý
Tổng cục VII cho biết lượng pháo đưa vào Việt Nam tiêu thụ chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Quốc. Ngoài các cửa khẩu, đường tiểu ngạch trên bộ, đối tượng buôn lậu pháo sử dụng cả đường biển. “Đáng chú ý, không phải đến dịp cận Tết, chúng mới đưa pháo về mà ngay từ đầu năm đã “găm” hàng để tới Tết bung ra bán. Nếu không xử lý kịp thời thì sẽ dẫn đến tiền lệ nguy hiểm: sản xuất pháo lậu trong nước” - ông Vệ nói.
Theo thông tư liên tịch giữa Bộ Công an, VKSND Tối cao và TAND Tối cao, đối tượng vận chuyển pháo qua biên giới sẽ bị truy tố về tội buôn bán hàng trái phép, hàng cấm. Người buôn bán pháo trong nước sẽ bị xử theo tội buôn bán hàng cấm. Riêng những người đốt pháo sẽ bị xử lý theo quy định về đốt pháo nơi công cộng, bị phạt tiền. Người đốt pháo đang là CB-CNVC Nhà nước thì sẽ bị đề nghị xem xét kỷ luật. Trong khi đó, Chính phủ quy định địa phương nào để xảy ra đốt pháo nhiều thì chủ tịch UBND tỉnh, TP phải chịu trách nhiệm. “Năm ngoái, Thái Bình đã xử lý hơn 10 trường hợp, có nơi xử lý cả ban thường vụ cấp ủy của xã...” - ông Vệ cho biết.
Ngay từ đầu năm 2012, Tổng cục VII đã cử nhiều đoàn công tác đi kiểm tra, thanh tra và ký cam kết không sử dụng pháo đối với người dân sinh sống tại các điểm nóng về pháo lậu. Theo cơ chế phối hợp giữa ngành công an, TAND và VKSND thì những vụ vận chuyển, kinh doanh, đốt pháo trái phép sẽ nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ để đưa ra xét xử công khai trước Tết nhằm bảo đảm tính răn đe.
Bình luận (0)