Kết thúc phiên họp cuối cùng của năm 2012, Thường trực Chính phủ đã nhất quán chủ trương điều hành kinh tế, xã hội năm 2013 là lạm phát phải thấp hơn, tăng trưởng phải cao hơn so với năm 2012. Như vậy có nghĩa là lạm phát năm 2013 phải thấp hơn mức 6,8% và tăng trưởng phải cao hơn mức 5,03%.
Dự báo thận trọng
Đến nay, các kịch bản tăng trưởng kinh tế 2013 do các tổ chức dự báo trong nước đưa ra đều có chung đặc điểm là rất thận trọng.
Nhóm chuyên gia của Học viện Ngân hàng đưa ra 3 kịch bản với mức tăng trưởng thấp nhất được dự báo là GDP tăng 4,96%, lạm phát 7,24% ứng với bối cảnh nền kinh tế vẫn chưa bước ra khỏi tình trạng suy thoái, vốn đầu tư tiếp tục khó khăn, hàng tồn kho vẫn ở mức cao.
Kịch bản khả thi là nền kinh tế dần bước vào giai đoạn phục hồi, tăng trưởng GDP đạt 5,44%, lạm phát vẫn ở mức một con số nhưng lên đến 9,29%. Nhóm nghiên cứu cũng dự báo kịch bản lạc quan nhất là kinh tế hồi phục nhanh với hiệu suất đầu tư được cải thiện, hàng tồn kho được xử lý đáng kể thì tăng trưởng GDP có thể đạt 6,01% trong khi lạm phát vẫn là 9,29% như kịch bản 2.
Dự báo của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCEIF - Bộ Kế hoạch - Đầu tư) có phần lạc quan hơn. Kịch bản thấp được trung tâm này đưa ra là nếu kinh tế thế giới vẫn tăng trưởng thấp do nợ công châu Âu, bất ổn chính trị ở Trung Đông, kinh tế Mỹ chưa phục hồi… thì tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn có thể đạt mức 5%.
Kịch bản cao của nhóm dự báo này đưa ra là GDP có thể tăng được 6,34%. Kịch bản khả thi là GDP tăng 5,68% nếu nợ công của châu Âu tìm thấy lối thoát và không còn là vấn đề lớn; xung đột chính trị và tranh chấp chủ quyền biển đảo dịu bớt; nền kinh tế Mỹ được phục hồi khá, thương mại thế giới tốt hơn năm 2012, luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam khả quan hơn...
Nhiều khuyến nghị
Một trong những vấn đề tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2013, theo TS Nguyễn Thị Tuệ Anh, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh Viện Quản lý kinh tế Trung ương, cần đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, sử dụng công nghệ; đẩy mạnh thu hút FDI và hiệu quả của chương trình tái cơ cấu doanh nghiệp (DN).
Để kinh tế năm 2013 tăng trưởng đạt mức 5,67% như kịch bản khả thi, NCEIF khuyến nghị Chính phủ cần tiếp tục duy trì ưu tiên ổn định vĩ mô, giữ lạm phát ở mức tương tự năm 2012, thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, linh hoạt.
Chú trọng triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trong nền kinh tế, đặc biệt khu vực kinh tế Nhà nước. Đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó đặc biệt là tái cơ cấu đầu tư công. Miễn, giảm thuế, phí để khắc phục tình trạng đình đốn sản xuất của các DN, hỗ trợ và thúc đẩy tiêu dùng nội địa, chú ý tập trung vào đối tượng thu nhập trung bình và thấp trong xã hội.
Một nhiệm vụ quan trọng khác là có giải pháp phá băng thị trường bất động sản nhằm giải quyết vấn đề nợ xấu, nhất là nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. Đồng thời từng bước thực hiện tái cấu trúc DN, nhất là đối với các DN Nhà nước nhằm giảm sự thất thoát lãng phí trong sử dụng vốn, tạo môi trường lành mạnh và bình đẳng giữa các DN thuộc các thành phần kinh tế khác nhau.
Thu hút vốn FDI có chọn lọc
Nhấn mạnh đến thu hút vốn FDI, nhóm nghiên cứu của NCEIF cho rằng dư địa còn nhiều nếu biết tận dụng xu thế dịch chuyển dòng vốn FDI từ một số nước vào khu vực ASEAN. Với lợi thế chính trị ổn định và tuyên bố cải cách mạnh mẽ để môi trường kinh doanh hấp dẫn bằng hoặc hơn các nước xung quanh, Việt Nam có khả năng thu hút mạnh mẽ vốn FDI một cách có chọn lọc, coi đó là nguồn lực quan trọng để chuyển đổi cơ cấu. |
Bình luận (0)