Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết trên tinh thần đổi mới của Luật Giáo dục (GD) ĐH, công tác quản lý, phát huy quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình xã hội của cơ sở GDĐH sẽ có nhiều thay đổi để phát huy tính chủ động, sáng tạo của đội ngũ quản lý các nhà trường. Việc quản lý chất lượng sẽ chuyển từ đánh giá kết quả đào tạo bằng số lượng các môn học đã hoàn thành sang hướng đánh giá bằng khối lượng kiến thức người học tích lũy được qua mỗi chương trình.
Bỏ chương trình khung
Hệ thống GDĐH cũng thay đổi theo mục tiêu đào tạo để đáp ứng nhu cầu nhân lực đa dạng. Chương trình đào tạo của các trường được thiết kế theo những hướng khác nhau, mềm dẻo phụ thuộc vào năng lực đội ngũ của từng trường, sao cho chất lượng đầu ra không thấp hơn ngưỡng quy định. Điều này sẽ khuyến khích các trường cạnh tranh nâng cao chất lượng đào tạo.
Luật Giáo dục ĐH có hiệu lực từ ngày 1-1-2013, góp phần giúp giáo dục ĐH phát triển đúng hướng.
Trong ảnh: Sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng tự học ở ký túc xá. Ảnh: TẤN THẠNH
Những trường có đội ngũ giáo viên giỏi sẽ thiết kế được chương trình tốt, chất lượng đào tạo sẽ cao, tăng uy tín và tạo được sức hút đối với người học. Bộ GD-ĐT sẽ không quy định chương trình khung như trước đây mà chỉ quy định thời gian đào tạo, khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp. Bộ cũng quy định rõ hướng đào tạo ở mỗi bậc học: Trình độ CĐ được xây dựng theo hướng ứng dụng. ĐH, thạc sĩ theo hướng nghiên cứu và ứng dụng nghề nghiệp. Tiến sĩ được xây dựng theo hướng nghiên cứu.
Ưu đãi các trường tư thục phi lợi nhuận
Một điểm mới nữa là tiêu chí xác định cơ sở GDĐH tư thục không vì lợi nhuận sẽ được cụ thể hóa và các chế độ, chính sách đối với các trường này cũng được xác định rạch ròi… Theo dự thảo nghị định, cơ sở giáo dục tư thục chỉ được công nhận hoạt động phi lợi nhuận khi các chủ sở hữu nguồn vốn đầu tư không nhận lợi tức (nếu nhận thì tỉ lệ không vượt quá lãi suất trái phiếu Chính phủ quy định).
Các cơ sở GDĐH tư thục và cơ sở GDĐH có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước về thuế, được giao đất hoặc miễn, giảm tiền sử dụng đất, được cạnh tranh tiếp nhận các dự án đầu tư, nâng cao năng lực khoa học như các trường công lập... Được hưởng nhiều ưu đãi nhưng nếu các đơn vị đã đăng ký hoạt động phi lợi nhuận lại không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về cơ sở phi lợi nhuận sẽ bị tước quyền thụ hưởng các chính sách, bị truy thu thuế quy định như các trường hoạt động vì lợi nhuận.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng nhấn mạnh: Khi hệ thống các văn bản dưới luật được hoàn thiện, cơ cấu tổ chức các trường đã được thực hiện theo quy định của luật thì các trường được tự chủ theo đúng tinh thần của Luật GDĐH. Hiện bộ đang xây dựng các văn bản liên quan đến việc này như tiêu chí cơ sở GDĐH đạt chuẩn quốc gia, thông tư quy định về tổ chức kiểm định chất lượng, hội đồng trường của các cơ sở GDĐH được thành lập và hoạt động theo đúng chức năng quy định.
Vẫn giữ điểm sàn
Tự chủ trong tuyển sinh là một trong những vấn đề được các trường đặc biệt quan tâm, nhất là các trường ngoài công lập, những trường muốn từ bỏ phương án “3 chung” khiến họ khó tuyển sinh lâu nay. Luật GDĐH quy định rõ: Các cơ sở GDĐH được lựa chọn phương thức tuyển sinh là thi tuyển, xét tuyển hay kết hợp thi tuyển và xét tuyển.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết phương án tuyển sinh từ nay đến năm 2015 sẽ không có thay đổi lớn, cơ bản vẫn triển khai kỳ thi “3 chung” và quy định điểm sàn, chỉ điều chỉnh những thay đổi nhỏ mang tính kỹ thuật cho phù hợp với tình hình thực tế. Theo ông Ga, cách đây 2 năm, Bộ GD-ĐT đã giao cho 2 ĐH quốc gia và các trường ĐH trọng điểm thí điểm tự tổ chức tuyển sinh để đúc kết kinh nghiệm nhân rộng trong toàn hệ thống. Tuy nhiên, đến nay chưa có trường nào đưa ra được phương án khả thi.
Năm 2012, các trường thuộc khối năng khiếu, nghệ thuật của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã đề xuất phương án tuyển sinh riêng nhưng có một số điểm chưa thật yên tâm nên chưa triển khai được. Năm 2013, các trường này tiếp tục hoàn thiện phương án. Bộ GD-ĐT cùng với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đang xem xét cụ thể và sẽ có quyết định thực hiện hay không thực hiện trong thời gian tới.
Giáo sư được xếp hạng chuyên gia cao cấp
Sau khi Bộ GD-ĐT ban hành thông tư quy định hiệu trưởng các trường ĐH sẽ ra quyết định bổ nhiệm chức danh GS và PGS, bộ cũng sẽ bổ sung GS, PGS vào chức danh giảng viên với các bậc: trợ giảng, giảng viên, giảng viên chính, PGS, GS. Việc xây dựng bảng lương mới cũng được đề nghị phân theo 5 chức danh này và Nhà nước sẽ có chính sách ưu tiên với giảng viên có chức danh GS, PGS. Giảng viên được bổ nhiệm chức danh PGS được xếp hạng 1 chức danh nghề nghiệp, giảng viên được bổ nhiệm chức danh GS được xếp hạng chuyên gia cao cấp, một sự xếp hạng được coi là đặc biệt cho chức danh này. |
Bình luận (0)