Đồng thời, kết quả PISA cũng sẽ gợi ý cho ngành đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra, đánh giá, đưa ra cách tiếp cận mới về dạy và học, cũng là bước chuẩn bị tích cực cho lộ trình đổi mới giáo dục sau năm 2015.
Chưa nói đến nguồn kinh phí bỏ ra để chuẩn bị cho công tác khảo sát chắc chắn không nhỏ, nhiều chuyên gia giáo dục băn khoăn liệu kết quả PISA có phản ánh đúng thực trạng giáo dục của Việt Nam khi mà để phục vụ cho kỳ khảo sát, các khâu từ thử nghiệm, ôn tập, luyện giải đề cho HS được chuẩn bị quá kỹ?
Hiệu trưởng một trường THPT có tham gia khảo sát PISA cho biết chính vì HS chưa từng làm quen với PISA nên ngoài những lần tập huấn chính thức do bộ quy định, trường còn tổ chức những buổi ôn luyện kiến thức cho HS. Thậm chí, trên website của nhiều sở GD-ĐT tham gia khảo sát PISA còn có hẳn ngân hàng câu hỏi, các dạng đề để HS ôn tập, luyện giải.
Một chuyên gia giáo dục cho rằng đây không phải là kỳ thi lấy thành tích, trong khi giáo dục của chúng ta lâu nay đã chìm trong căn bệnh này. Nếu HS được “huấn luyện” quá kỹ, dĩ nhiên sẽ cho một kết quả PISA đẹp và liệu kết quả này có trung thực?
Trong kết quả khảo sát PISA năm 2003, Phần Lan được đánh giá là quốc gia có nền giáo dục tốt nhất. Bộ trưởng Giáo dục Phần Lan lúc bấy giờ là bà Sari Sarkomaa tuy cho rằng nước này cũng kỳ vọng đạt thành tích cao trong cuộc điều tra song không phải kết quả như thế là thỏa mãn. Phần Lan phải chú trọng giáo dục cơ sở và giáo dục đặc biệt, sao cho trường học là nơi tốt nhất để ươm trồng những hạt giống của thế hệ tương lai.
Sắp tới sẽ có kết quả khảo sát PISA để biết nền giáo dục của chúng ta đang đứng ở đâu. Tuy nhiên, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, rất có thể sẽ có một kết quả “quá đẹp” và như vậy có phản ánh đúng thực chất của nền giáo dục nước ta? Nếu căn cứ vào kết quả đó để hoạch định các chính sách nâng cao chất lượng đào tạo thì sẽ có nhiều bất cập.
Bình luận (0)