Pháp luật và nhận thức hiện nay (kể cả trên thế giới) cho rằng tên miền không phải là đối tượng sở hữu trí tuệ (SHTT). Do vậy, tên miền không được Nhà nước bảo hộ về quyền SHTT.
Chưa đồng bộ
Quy định như vậy theo chúng tôi có điều gì đó chưa ổn hoặc ít nhất là chưa có sự đồng bộ với các vấn đề pháp lý khác, nhất là khi so sánh tên miền với những đối tượng “tương đồng” khác như “nhãn hiệu” hàng hóa, dịch vụ hay “tên thương mại” của một doanh nghiệp (DN) - được xem là đối tượng SHTT.
Về nguyên tắc, một xã hội công bằng và văn minh sẽ luôn bảo đảm và bảo hộ cho những phát minh, sáng tạo của con người, vốn là động lực của sự phát triển xã hội. Những sản phẩm vô hình hoặc hữu hình là sự kết tinh của trí tuệ, sự sáng tạo của con người được pháp luật ghi nhận và bảo hộ theo quy định tại Luật SHTT, được thể hiện dưới những hình thức như quyền tác giả (đối với tác phẩm) hay quyền sở hữu công nghiệp - bao gồm nhãn hiệu (hàng hóa, dịch vụ), tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế...
Có công bằng, hợp lý?
Chính cái “thua” như trong trường hợp giả định trên cho thấy có sự bất hợp lý nào đó khi mà pháp luật không xem tên miền là đối tượng về SHTT.
Theo chúng tôi, rõ ràng “nhãn hiệu” và cả “tên miền” đều là do một con người cụ thể nghĩ ra, tức đây là “sản phẩm” của trí tuệ. Đối với một DN thì tên DN luôn là một vấn đề hết sức nghiêm túc, có sự suy nghĩ và đầu tư không nhỏ. Vậy mà trong khi tên DN (chính là “tên thương mại”) được bảo hộ thì tên miền - thực chất chính là tên DN được thể hiện trên internet - lại không được bảo hộ. Như vậy liệu đã công bằng, hợp lý?
Sẽ càng vô lý hơn khi đặt trong bối cảnh một cá nhân nào đó, dù chẳng tốn công suy nghĩ hay sáng tạo, chỉ cần “nhanh tay” chọn và đăng ký những tên miền nổi tiếng nhất, có giá trị nhất - bằng cách bê “nguyên xi” tên của các DN, tổ chức hay cá nhân đã và đang có tên tuổi, uy tín trên thị trường - thì sẽ chiếm làm của riêng mình.
Việc “nhanh tay” như vậy đã phù hợp với các nguyên tắc về xác lập quyền sở hữu đối với tài sản - theo quy định tại bộ luật nền là Luật Dân sự - hay chưa?
Cần hợp pháp hóa giao dịch tên miền
Khi nhu cầu về tên miền tăng cao thì tất yếu phát sinh nhu cầu giao dịch về mua bán, chuyển nhượng. Cần khẳng định đây là một nhu cầu thực tế và không thể né tránh, kể cả trong trường hợp tên miền trong tương lai có thể được xem là đối tượng SHTT hay không.
Tại Việt Nam, có nhiều cá nhân đã đầu tư tiền bạc, đăng ký và duy trì hàng ngàn tên miền Việt Nam. Mục đích của những cá nhân này là muốn kinh doanh mua bán những tên miền mà họ đang có.
Vậy thì gạt ra những điểm bất cập, bất hợp lý như đã nêu, việc đưa các tên miền vào sử dụng, thay vì để trong tình trạng bị “treo” hay có thể “chết”, là điều cần thiết. Tên miền là tài nguyên quốc gia, nếu không được sử dụng, lại cấp phát ồ ạt không giới hạn như hiện nay sẽ rất uổng phí và sớm cạn kiệt. Tình trạng đó sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các tổ chức, DN hay cá nhân liên quan. Đó là chưa kể trên thực tế, đã xuất hiện những giao dịch ngầm, lách luật, tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý.
Có lẽ đã đến lúc cần phải luật hóa giao dịch về tên miền. Khi đó, Nhà nước sẽ có thêm nguồn thu mà các bên liên quan cũng sẽ có một sân chơi rõ ràng, hợp pháp.
Quốc tế bán tên miền thế nào? Ở nước ngoài, tên miền được phép mua bán, chuyển nhượng thông qua sàn giao dịch dưới hình thức bán đấu giá. Đã có những giao dịch thành công với tên miền được bán giá rất cao, cả triệu USD. Sàn giao dịch tên miền sedo.com là một ví dụ. Điều đáng lưu ý là tên miền quốc tế đắt giá nhất được bán chính là các tên miền mới, do sự suy nghĩ và sáng tạo của người đăng ký, không phải “ăn theo” tên tuổi những DN lớn như ở Việt Nam. |
Kỳ tới: Giá trị của tên miền?
Bình luận (0)