Ngày 7-1, tại TPHCM, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã tổ chức hội nghị “Tổng kết xuất khẩu gạo năm 2012 và phương hướng xuất khẩu năm 2013”. Theo VFA, lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu gạo đạt kỷ lục: 7,72 triệu tấn. Sản lượng lúa cũng đạt cao nhất từ trước đến nay là 43,7 triệu tấn, cao hơn 1,3 triệu tấn so với năm 2011.
Mua lúa gạo để chế biến xuất khẩu tại ĐBSCL. Ảnh: NGỌC TRINH
Tăng cả lượng và chất
Với kết quả khả quan của năm 2012, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu đều tỏ ra phấn khởi. Bởi thực tế, đến hết quý I/2012, cả nước chỉ xuất khẩu được 400.000 tấn, giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm 2011. Tuy nhiên, các quý tiếp theo, sản lượng xuất khẩu liên tục tăng, đặc biệt ngay trong tháng 12 Việt Nam đã xuất hơn 650.000 tấn.
Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, khẳng định đây là mức xuất khẩu cao chưa từng có, chủ yếu là nhờ tiêu thụ kịp thời sản lượng lúa gạo hàng hóa, giữ ổn định giá lúa gạo trong nước..., đồng thời công tác điều hành xuất khẩu gạo đã hợp lý hơn, các DN phát huy tính chủ động, linh hoạt…
Theo VFA, chất lượng gạo Việt Nam cũng đã có sự chuyển biến nhất định, tỉ lệ gạo cao cấp đã chiếm 46% và tăng trên 79% so với năm 2011; loại gạo trung bình và cấp thấp đã giảm mạnh, chỉ còn chiếm khoảng 35% và giảm 32% so với năm ngoái. Tỉ lệ gạo thơm đã tăng nhiều, chiếm 7,57% và tăng 21,8% so với năm 2011...
Hạn chế hủy hợp đồng từ phía Trung Quốc
Lo ngại lớn nhất hiện nay của VFA là tình hình xuất khẩu gạo sang Trung Quốc (TQ). Năm 2012, TQ là thị trường mới nổi, đứng đầu trong số các nước nhập khẩu gạo của Việt Nam với sản lượng hơn 2 triệu tấn. Tuy nhiên, năm qua, nước này cũng hủy hợp đồng nhiều nhất, đến 600.000 tấn, gây khó khăn cho DN trong nước. Năm 2013, dự báo TQ vẫn là nước nhập khẩu mạnh với hạn ngạch được phân bổ gồm 2,66 triệu tấn gạo hạt dài và 2,66 triệu tấn gạo hạt ngắn/trung bình.
VFA lưu ý các DN khi xuất khẩu sang TQ phải hạn chế thấp nhất tình trạng bị hủy hợp đồng. “Phải thận trọng trong các tiêu chuẩn hàng hóa, thời gian chuyển hàng, hợp đồng rõ ràng... Cần đặc biệt lưu ý khi lập bộ chứng từ vì rất dễ bị phía đối tác dùng “kỹ thuật” gây thiệt hại lớn” - ông Phong khuyến cáo.
VFA lưu ý trong quý I/2013 chỉ có hợp đồng của TQ là chính (các thị trường khác ít nhập trong quý này) nên DN cần có kế hoạch mềm dẻo giải quyết thành công; đồng thời thúc đẩy xúc tiến xuất sang các thị trường mới nổi ở Tây Phi...
Ông Nguyễn Văn Tiến, Tổng Giám đốc Công ty CP XNK An Giang (Angimex), cho biết sau một thời gian tạm ngừng nhập gạo Việt Nam, gần đây Nhật Bản đã nhập trở lại. Tiêu chuẩn của Nhật nghiêm nhưng không khó thực hiện. Họ đã tăng từ gần 400 chỉ tiêu lên 593 chỉ tiêu nhưng nếu biết cách tổ chức vùng trồng ổn định, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật thì sẽ đáp ứng tốt.
Mua tạm trữ 1,5 triệu tấn Theo VFA, năm 2012, tỉ lệ xuất khẩu gạo theo hợp đồng tập trung giảm mạnh (từ gần 48% trong năm 2011 xuống còn 20% trong năm 2012) tạo ra sự chuyển đổi mạnh mẽ đối với cơ cấu thị trường xuất khẩu gạo. Dự kiến 2013 vẫn là năm khó khăn cho việc xuất khẩu, vì vậy DN phải chủ động hơn. Để chủ động nguồn hàng, ông Trương Thanh Phong cho biết đang chờ chỉ đạo cụ thể từ Chính phủ về việc tăng mua tạm trữ lúa gạo trong năm 2013 lên 1,5 triệu tấn (năm 2012 mua tạm trữ 1 triệu tấn) và sẽ thực hiện ngay trong đầu quý I này để kịp thời thu mua lúa gạo cho nông dân. Đặc biệt, theo yêu cầu của Chính phủ và các bộ, ngành, giá lúa không dưới 5.000 đồng/kg... |
Bình luận (0)