Bình Định tạm ngừng sử dụng lô vắc xin gây chết người
Ngày 9-1, thạc sĩ Lê Quang Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế Bình Định, cho biết sở vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị trực thuộc khẩn trương thực hiện việc tạm ngừng sử dụng một lô vắc-xin Quinvaxem "5 trong 1".
Lô vắc-xin bị ngừng sử dụng số 1453037, hạn dùng ngày 26-11-2014, số đăng ký QLVX-0604-12, do Công ty Berna Biotech Korea Corporation sản xuất.
Một trong 3 trẻ tiêm vắc-xin "5 trong 1" tại Quy Nhơn đã được xuất viện về nhà. Ảnh: A. Tú
Theo đó, Sở Y tế Bình Định yêu cầu các đơn vị kinh doanh và sử dụng vắc-xin tạm ngừng cung ứng và sử dụng lô vắc-xin trên, đồng thời thực hiện việc bảo quản số vắc-xin còn lại theo đúng điều kiện quy định. Thanh tra Sở Y tế và Phòng Nghiệp vụ Dược, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện của các đơn vị.
Trước đó, ngày 3-1, Hội đồng tư vấn chuyên môn phản ứng tai biến sau tiêm chủng của Sở Y tế đã kết luận về vụ 3 trẻ sơ sinh ở TP Quy Nhơn phải nhập viện vào cuối tháng 12-2012 sau khi chích ngừa mũi vắc-xin này là do phản ứng sau tiêm chủng.
Bộ Y tế: Chưa đủ bằng chứng kết luận!
Ngày 9-1, hội đồng chuyên môn xử lý tai biến vắc-xin của Bộ Y tế cũng tiến hành họp để phân tích, đánh giá và xử lý 7 trường hợp tử vong sau tiêm vắc-xin Quinvaxem trên cả nước.
Ông Nguyễn Trần Hiển, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết Quinvaxem “5 trong 1” do Hàn Quốc sản xuất đang sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam có 8 lô.
Tính đến nay, ngoài 3 trẻ bị phản ứng sau tiêm tại Bình Định, 3 trẻ ở Nghệ An và 1 trẻ tại Hà Nội đã tử vong, còn có thêm 1 vụ trẻ 2 tháng tuổi tại Hòa Thuận, Kiên Giang đã chết sau 96 giờ tiêm chủng.
Tất cả các trường hợp này đều tiêm vắc-xin Quinvaxem “5 trong 1” của Hàn Quốc. Tiền sử bệnh tật và tiêm chủng của các cháu không có gì đặc biệt.
Do có biểu hiện khóc thét, sót, co giật, tím tái, ngừng thở, nên ba cháu ở Bình Định được người nhà mang đi cấp cứu kịp thời và qua khỏi. Còn 6 cháu bé đã tử vong sau tiêm ở Nghệ An, Kiên Giang, Hà Nội chỉ sốt nhẹ, sau đó lặng lẽ tử vong, hiện chưa rõ nguyên nhân.
Trao đổi với báo chí, TS Nguyễn Văn Bình - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết: “Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá tai biến khẳng định không có bằng chứng về sự liên quan giữa các phản ứng sau tiêm với quy trình bảo quản, vận chuyển vắc-xin và dịch vụ tiêm chủng. Quy trình thẩm định, cấp phép, cấp giấy phép lưu hành, kiểm định và sử dụng vắc-xin tuân thủ theo quy định”.
Thừa nhận tần số xuất hiện các trường hợp phản ứng sau tiêm vắc-xin Quinvaxem cao hơn trước, nhưng ông Bình cho rằng chưa có bằng chứng về sự liên quan giữa phản ứng sau tiêm chủng và chất lượng vắc-xin.
Hiện Bộ Y tế đang phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới và các đơn vị liên quan tiếp tục kiểm tra chất lượng vắc-xin, nghiên cứu đánh giá nguyên nhân phản ứng sau tiêm.
Bình luận (0)