Để thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN - sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1-7-2013, Bộ Tài chính vừa hoàn tất dự thảo nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Thuế TNCN để lấy ý kiến các bộ, ngành, đơn vị liên quan.
Mức thuế phải nộp ít đi
Vấn đề được đông đảo người dân quan tâm là mình được hưởng lợi gì từ Luật Thuế TNCN mới. Về nội dung này, dự thảo nghị định quy định mức khởi điểm chịu thuế là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm) và giảm trừ gia cảnh cho mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng (44,2 triệu đồng/năm). Đây là thay đổi đáng kể so với luật hiện hành vì các mức tương ứng đang áp dụng là 4 triệu và 1,6 triệu đồng/tháng.
Từ nay đến hết ngày 30-6, cơ quan thuế sẽ thực hiện tính thuế TNCN theo luật hiện hành với mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế là 4 triệu đồng/tháng, cho mỗi người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng. Người có thu nhập càng cao, mức thuế phải nộp giảm càng nhiều vì số tiền được giảm tính theo mức giảm trừ gia cảnh nhân bậc thuế; bậc thuế càng cao thì thuế suất càng lớn.
Một điểm khác đáng lưu ý là căn cứ xác định mức thu nhập của người phụ thuộc được áp dụng giảm trừ cũng được nâng lên 1 triệu đồng/tháng (12 triệu đồng/năm), tăng gấp đôi so với luật hiện hành. Như vậy, các cá nhân nộp thuế có cha, mẹ già đang hưởng lương hưu 1 triệu đồng/tháng trở xuống muốn nuôi cha, mẹ vẫn được giảm trừ 3,6 triệu đồng/tháng theo tiêu chuẩn của người phụ thuộc.
Miễn nhiều khoản
Một nội dung khác là dự thảo nghị định đã bổ sung một khoản mới gồm các thu nhập không tính vào thu nhập chịu thuế nhưng lại không đưa tiền trợ cấp thai sản vào mục này. Năm 2012, đã có những cách hiểu khác nhau, thậm chí là hướng dẫn thực hiện khác nhau của cơ quan thuế đối với tiền trợ cấp thai sản, dẫn đến việc suýt đánh thuế TNCN đối với người nghỉ thai sản.
Bà Đỗ Thị Thìn, Tổng Thư ký Hiệp hội Tư vấn thuế Việt Nam, nhận định về nội dung này: Dự thảo nghị định hướng dẫn chưa rõ, cần đưa tiền trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi vào mục “Không tính vào thu nhập chịu thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công” tại khoản g, điều 3.
Đặc biệt, nghị định cũng có điều khoản quy định rõ thu nhập tính thuế từ trúng thưởng trong casino, trò chơi điện tử có thưởng là phần giá trị trúng thưởng vượt trên 10 triệu đồng mà đối tượng nộp thuế nhận được theo từng lần trúng thưởng.
Bên cạnh mức giảm trừ gia cảnh, dự thảo nghị định cũng nêu rõ những khoản thu nhập không tính vào thu nhập chịu thuế gồm khoản hỗ trợ của người sử dụng lao động cho việc khám, chữa bệnh hiểm nghèo cho bản thân và thân nhân của người lao động; khoản tài trợ của các tổ chức từ thiện, nhân đạo được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật dành cho cá nhân chữa bệnh hiểm nghèo; khoản tiền nhận được theo chế độ liên quan đến sử dụng phương tiện đi lại trong cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức Đảng, đoàn thể...
Đặc biệt, đối tượng nộp thuế gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo ảnh hưởng đến khả năng nộp thuế thì được xét giảm thuế tương ứng với mức độ thiệt hại nhưng không vượt quá số thuế phải nộp. Theo một chuyên gia kinh tế, đã mắc bệnh hiểm nghèo là chi phí chữa bệnh cao hay người gặp thiên tai, hỏa hoạn thì nên miễn thuế. Trường hợp không miễn thuế thì cần tính toán mức giảm lớn hơn.
So sánh mức thuế cũ và mới Cách tính thuế TNCN đối với một người có thu nhập từ tiền lương 15 triệu đồng/tháng, có 1 người phụ thuộc: Theo luật hiện hành Tổng thu nhập chịu thuế: 15 triệu đồng, Thu nhập tính thuế: 15 triệu - (4 triệu giảm trừ cho bản thân + 1,6 triệu giảm trừ cho người phụ thuộc) = 9,4 triệu đồng. Thuế TNCN theo biểu thuế lũy tiến phải nộp = (5 triệu x 5%) + (4,4 triệu x 10%) = 250.000 đồng + 440.000 đồng = 690.000 đồng. Vậy số thuế phải nộp là 690.000 đồng. Theo Luật Thuế TNCN sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1-7 Tổng thu nhập chịu thuế: 15 triệu đồng. Thu nhập tính thuế: 15 triệu - (9 triệu giảm trừ cho bản thân + 3,6 triệu giảm trừ cho người phụ thuộc) = 2,4 triệu đồng. Thuế TNCN theo biểu thuế lũy tiến phải nộp = 2,4 triệu x 5%= 120.000 đồng. Vậy số thuế phải nộp là 120.000 đồng. |
Bình luận (0)