xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ba thập niên trên lưng ngựa

MINH NGA

Nghệ sĩ Ánh Tuyết là một trong những nữ diễn viên xiếc, ảo thuật gia hiếm hoi của Việt Nam gắn bó lâu năm với nghề

Nghệ sĩ Ánh Tuyết cùng bạn diễn là nghệ sĩ Mỹ Hạnh vừa mang về cho Đoàn Xiếc TPHCM giải vàng với tiết mục Sắc màu dân tộc tại Liên hoan Ảo thuật chuyên nghiệp toàn quốc 2012 diễn ra tại Hà Nội trong 3 ngày cuối năm, từ 29 đến 31- 12- 2012.

Nghề là nghiệp

30 năm tuổi nghề, Ánh Tuyết cũng không nhớ nổi là mình đã tham gia biểu diễn bao nhiêu tiết mục, từ dễ tới khó, từ đơn giản đến phức tạp như đi dây thăng bằng trên cao, diễn với trăn, với rắn, từ biến hóa chim thành tiền, ô biến thành tiền, áo biến ra ô đến thay đổi trang phục trong chớp mắt... Nhưng có lẽ nhắc đến Ánh Tuyết, khán giả vẫn không thể nào quên những tiết mục biểu diễn “có một không hai” của chị với ngựa, như giữ thăng bằng trên lưng ngựa, nhào lộn phi ngựa... Vì vậy, Ánh Tuyết được ví là nghệ sĩ “3 thập niên trên lưng ngựa”.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình không ai theo nghệ thuật tại Hà Nội nhưng từ những lần theo ba mẹ đi xem xiếc, cô bé Ánh Tuyết mê bộ môn nghệ thuật này và quyết định thi vào Trường Xiếc Việt Nam khi mới 11 tuổi. Tình yêu nghề cứ lớn dần theo năm tháng, sau khi tốt nghiệp Trường Xiếc Việt Nam, đầu năm 1983, Ánh Tuyết gia nhập Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Từ năm 1993 cho đến nay, chị vào hoạt động tại Đoàn Xiếc TPHCM.

img
Nghệ sĩ Ánh Tuyết đang biểu diễn một tiết mục ảo thuật thay đổi trang phục trong chớp mắt. Ảnh: HỮU QUÝ

Nghề xiếc rất nguy hiểm, tai nạn rình rập, giới nữ theo nghề này càng khó khăn và nguy hiểm bội phần. Nhưng với Ánh Tuyết, thời gian đã hun đúc nên tình yêu nghề, càng làm càng đam mê, càng diễn càng yêu thích. Đến giờ này, chị vẫn không thôi ám ảnh những tai nạn xảy đến trong suốt 30 năm qua, những lần gãy chân, gãy tay khi đi dây thăng bằng trên cao rồi té ngã, bị ngựa đá khi diễn với ngựa. Bao nhiêu vết sẹo mới, cũ theo năm tháng vẫn chưa phai mờ  trên da thịt. Chị thường xuyên bị hành hạ bởi những cơn đau cột sống dai dẳng do phải uốn nén, tập luyện với các động tác xiếc.

Nhắc đến thời điểm khó khăn nhất, Ánh Tuyết bùi ngùi: “Lúc có chồng, sinh con và trở lại với nghề là một thử thách rất lớn vì cơ thể hầu như cứng lại, độ dẻo dai không còn nên rất khó để trở lại guồng tập cao độ như trước kia. Tôi phải học lại từ đầu nên rất nản, tưởng chừng đã bỏ nghề từ đó”. Là phụ nữ, Ánh Tuyết cũng muốn chọn cho mình một công việc nhẹ nhàng hơn, cũng muốn trở về an phận với vai trò người vợ, người mẹ nhưng hễ nghe tiếng nhạc, thấy anh chị em biểu diễn là “máu” nghề lại trỗi dậy, ngọn lửa đam mê lại bùng cháy, để rồi chị lại cứ diễn, cứ cống hiến và cứ sống hết mình với nghề.

Đam mê sáng tạo

Những năm tháng theo nghề xiếc, Ánh Tuyết cũng dần tập làm quen với bộ môn ảo thuật. Lúc đó, ảo thuật chỉ là những tiết mục nhỏ lẻ và đơn giản được các thầy cô dạy lại và chỉ được diễn “ké” trên sân khấu xiếc. Chị đã tự mình mày mò, học hỏi và tạo ra những tiết mục trình diễn cho riêng mình. Từ năm 2010 đến nay, dù thời gian ít ỏi nhưng chị đã chinh phục khán giả bằng nhiều giải thưởng về ảo thuật trong nước và quốc tế.

Tại Liên hoan Ảo thuật chuyên nghiệp toàn quốc 2012, nữ ảo thuật gia xinh đẹp Ánh Tuyết cùng bạn diễn là nghệ sĩ Mỹ Hạnh đã làm khán giả phải ngỡ ngàng với tiết mục Sắc màu dân tộc. Trước màn biến hóa khôn lường, chị đưa khán giả từ sự thú vị này đến thú vị khác khi thay đổi trang phục liên tục, mỗi màn thay đổi nhanh chóng chưa đến 5 giây.
 
Chỉ trong vòng 5 phút, Ánh Tuyết cùng nghệ sĩ Mỹ Hạnh đã đổi được 12 bộ trang phục khác nhau theo kỷ lục Guinness thế giới. Tuy nhiên, nét mới lạ của tiết mục này là Ánh Tuyết biết kết hợp ảo thuật với âm nhạc, biên đạo vào trong tiết mục của mình. Sự sáng tạo còn thể hiện ở chỗ những trang phục chị chọn là trang phục truyền thống như áo dài, áo tứ thân hay trang phục của các dân tộc khác cộng với âm nhạc dân gian của Việt Nam.
 
Nghệ sĩ Nguyễn Thị Tâm Chính, 1 trong 5 thành viên ban giám khảo tại liên hoan, đánh giá cao về tiết mục đoạt giải vàng này: “Tiết mục mang đậm màu sắc dân tộc. Phần dự thi không chỉ phô diễn kỹ thuật mà còn mang vào đó âm nhạc, trang phục của nhiều dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam. Đó là một sự sáng tạo rất độc đáo”.

Khi được hỏi từ đâu mà chị có ý tưởng kết hợp âm nhạc vào tiết mục ảo thuật, Ánh Tuyết chia sẻ: “Trước đây, ảo thuật Việt Nam thường chỉ mua đạo cụ về biểu diễn hoặc sáng tạo từ đạo cụ chứ không kết hợp cùng âm nhạc, biên đạo. Chính điều đó làm cho khán giả nhàm chán. Tôi muốn tìm một điều gì đó mới mẻ, khác lạ cho ảo thuật để có thể hấp dẫn được người xem. Và quả thật, ảo thuật được trình diễn trên nền nhạc tạo ra sự nhịp nhàng, cuốn hút hơn, bài hát phải tương ứng theo trang phục thì mới tạo được cảm xúc với khán giả”.

Hơn nửa đời người gắn bó với nghề, Ánh Tuyết không ngừng trăn trở bởi theo chị, khi nói đến xiếc, người ta chỉ nghĩ thuần túy là những tiết mục đơn giản như biến hóa từ chim ra hoa, từ khăn ra chim, trong khi những tiết mục đơn giản đó chỉ phù hợp ở những sân khấu nhỏ. Còn khi lên sân khấu lớn, chuyên nghiệp thì phải có những tiết mục cần sự đầu tư kỹ lưỡng, có nét mới lạ, độc đáo.

Chính vì vậy, chị luôn muốn sáng tạo, tìm sự mới mẻ. Chị kể lúc mới vừa ra trường là thời điểm chị quyết tâm đi tìm cho mình những cái riêng nhất. Vì lúc đó không còn thầy cô chỉ dẫn, nếu mình không tìm tòi cái mới thì sẽ không có cơ hội sống được với nghề. Hơn nữa, đặc thù của nghề xiếc là tuổi thọ rất ngắn, nhiều người chỉ theo nghề được vài ba năm rồi bỏ cũng một phần vì bị đào thải.
 
Nghề xiếc và ảo thuật cũng như bất kỳ một nghề nào khác nếu không sáng tạo, không làm mới thì sẽ chết theo thời gian. Mỗi tiết mục dù tập luyện hàng mấy tháng trời, thậm chí cả năm nhưng chỉ trình diễn được vài ba lần. Vì thế, sáng tạo những tiết mục mới lạ, hấp dẫn, là cách để kéo khán giả trở lại với bộ môn nghệ thuật rất dễ bị lãng quên này. Cũng chính vì đam mê sáng tạo mà Ánh Tuyết là một trong số ít nghệ sĩ xiếc nữ bám trụ với nghề lâu cho đến hôm nay. Chị ước ao mang các tiếc mục ảo thuật của mình đến bạn bè quốc tế và vẫn đang trên cuộc hành trình thực hiện điều đó.

Tự hào với nghề

Kể về những những thăng trầm của nghiệp diễn nhưng đôi mắt Ánh Tuyết vẫn ánh lên sự tự hào và hãnh diện vì cái nghề mình đã, đang và sẽ sống với nó đến hết cuộc đời. Chị chưa bao giờ hối hận dẫu có đôi ba lần nản chí, muốn dừng bước. Chị bảo có lẽ xiếc, ảo thuật không chỉ là nghề mà còn là cái nghiệp mà chị không thể nào dứt bỏ được. Ánh Tuyết tâm sự: “Tất cả sự hy sinh của mình đều xứng đáng. Mồ hôi, nước mắt đổ ra rồi cũng có ngày mang lại nụ cười và thành quả xứng đáng”.

Ở tuổi 48, Ánh Tuyết không những hằng ngày cần mẫn tập luyện các tiết mục xiếc và ảo thuật để thỏa niềm đam mê mà còn luôn tìm tòi, sáng tạo những tiết mục mới hay hơn, đặc sắc hơn để phục vụ khán giả.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo