Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết việc đầu tư xây dựng hệ thống trạm kiểm tra trọng tải xe đường bộ (trạm cân) được phân kỳ theo 3 giai đoạn: Từ 2012-2015 xây 13 trạm, vốn đầu tư dự kiến 1.031 tỉ đồng; 2015-2020 xây 19 trạm với vốn đầu tư 2.428 tỉ đồng; 2020-2030 tiếp tục xây thêm 13 trạm với vốn đầu tư dự kiến 2.882 tỉ đồng.
Xe quá tải bị Công an tỉnh Phú Yên tạm giữ. Ảnh: HỒNG ÁNH
Kiểm soát xe quá tải
“Trong điều kiện vốn để duy tu, sửa chữa đường sá đang gặp khó khăn thì xe quá khổ, quá tải gây hư hỏng trên rất nhiều tuyến quốc lộ. 45 trạm cân sẽ cơ bản đáp ứng yêu cầu kiểm soát tải trọng xe trên hệ thống quốc lộ cả nước” - Thứ trưởng Bộ GTVT Trương Tấn Viên cho biết.
Trước mắt, trong giai đoạn 2012-2020, Tổng cục Đường bộ đề xuất sẽ tập trung xây 32 trạm cân trên các tuyến quốc lộ huyết mạch, có lưu lượng vận tải lớn và lượng xe tải nặng gia tăng nhanh, như 1, 2, 5, 70, 51, 20, 13, 32. Bên cạnh đó sẽ xây dựng sớm trạm cân trên các quốc lộ 9, 10, 38 để kịp thời ngăn chặn lượng xe quá tải bất thường đang phá hỏng kết cấu hạ tầng đường bộ, gây mất an toàn giao thông và bức xúc cho nhân dân địa phương.
Tổng cục Đường bộ cho biết ngoài 2 trạm cân đang hoạt động thí điểm là trạm cân Dầu Giây (Đồng Nai) trên Quốc lộ 1 và trạm cân trên Quốc lộ 18 (tỉnh Quảng Ninh), sắp tới sẽ có 3 trạm chuẩn bị đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), gồm: trạm trên Quốc lộ 5 tại Phú Thái (Hải Dương), Quốc lộ 70 tại Bảo Yên (Lào Cai) và Quốc lộ 51 tại Long Thành (Đồng Nai) với tổng kinh phí 238 tỉ đồng.
Trạm cân Dầu Giây được xây dựng thí điểm tại Đồng Nai. Ảnh: XUÂN HOÀNG
Tiền đâu để đầu tư?
Về ngồn vốn đầu tư, Tổng cục Đường bộ đề xuất từ các nguồn: Quỹ Bảo trì đường bộ, nguồn vốn ngân sách và ODA, BOT. Mặc dù từ đầu năm 2013, Quỹ Bảo trì đường bộ bắt đầu hoạt động nhưng trong giai đoạn trước mắt, ngân sách Nhà nước vẫn phải cấp bù mới đáp ứng được nhu cầu quản lý bảo trì đường. Chính vì thế, Tổng cục Đường bộ đề xuất Bộ GTVT trong giai đoạn 2012-2015 chưa sử dụng nguồn quỹ này mà đưa hệ thống trạm cân trọng tải xe vào danh mục các dự án kêu gọi vốn ODA.
Luật Giao thông đường bộ quy định trạm cân trọng tải xe là một trong những công cụ quản lý của Nhà nước nên việc xác định kinh phí đầu tư xây dựng từ ngân sách là rất cần thiết. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, việc bố trí vốn chủ yếu từ ngân sách không khả thi, do đó Tổng cục Đường bộ chỉ đề xuất bố trí nguồn vốn ngân sách cho công tác chuẩn bị đầu tư, chi trả giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất và đầu tư cho các trạm cân cần triển khai ngay trong giai đoạn 2012-2015 nhưng khó thực hiện theo hình thức BOT.
Trên cơ sở đó, Tổng cục Đường bộ kiến nghị Bộ GTVT thống nhất phương án về nguồn vốn và cơ chế huy động vốn đầu tư theo hình thức BOT để có cơ sở làm việc với các nhà đầu tư hiện có trạm thu phí hoàn vốn lân cận khu vực dự kiến đặt trạm cân để đàm phán bổ sung vào hợp đồng BOT.
Lo tiêu cực Ủng hộ việc khôi phục hệ thống trạm cân trọng tải xe trên quốc lộ nhưng ông Nguyễn Khánh Toàn, Chánh Văn phòng Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng để giải quyết được tận gốc những can thiệp, tác động mang tính tiêu cực của con người là không hề dễ. “Nguyên tắc cơ bản nhất của hệ thống trạm cân trọng tải xe là đặt tại nơi xuất phát điểm của hàng hóa (nhà ga, cảng biển, bến tàu) và hệ thống máy móc cân trọng tải hiện đại, không để con người tác động thay đổi kết quả. Hệ thống trạm cân trong quá khứ đã không làm được những điều đó nên đã xảy ra quá nhiều tiêu cực, phải xóa bỏ” - ông Toàn nói. Ông Toàn cũng cho rằng những bài học trong quản lý, vận hành 2 trạm cân thí điểm tại Dầu Giây và Quốc lộ 18 vẫn còn rất mới nên khi Tổng cục Đường bộ lên đề án xây dựng một loạt trạm cân khác, Bộ GTVT và cơ quan liên quan cần có đánh giá, thẩm định nghiêm túc cả về mặt khoa học - kỹ thuật lẫn giám sát thực hiện. “Việc để các nhà đầu tư trạm thu phí BOT tiếp tục xây trạm cân ngay cạnh đó cũng tốt nhưng cần phải tính tới việc giám sát họ thực hiện, bởi doanh nghiệp làm thì luôn muốn hoàn vốn càng nhanh càng tốt” - ông Toàn nói. |
Bình luận (0)