Ngày 16-1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì Hội nghị Chính phủ với tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước nhằm đánh giá hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) này và định hướng kế hoạch năm 2013.
“Thua lỗ tiền tỉ ai mà không xót ruột”!
Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, xét về các chỉ tiêu hiệu quả sản xuất kinh doanh, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước thì năm 2012 có sự giảm sút về bình quân tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu so với năm 2011, đạt 14,84% so với mức 19%. Trong tổng số 73 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, có khoảng 46,5% DN đạt mức tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu dưới 10%. Đặc biệt, có 2 trong tổng số 9 tập đoàn bị thua lỗ nên bình quân tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu chỉ đạt 5%.
Năm 2012, mức lỗ phát sinh của tất cả các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước là 2.253 tỉ đồng, trong đó có một số DN lỗ liên tiếp 2 năm liền. Đáng lưu ý, có 10 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước lỗ lũy kế 17.730 tỉ đồng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng doanh thu và lợi nhuận của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước nhìn chung ở mức khá nhưng một vài DN lại lỗ lớn, tình hình tài chính thiếu lành mạnh làm ảnh hưởng chung đến khối DN Nhà nước. “Tuy chỉ có một vài DN thua lỗ, sai phạm gây hậu quả nghiêm trọng như Vinashin, Vinalines nhưng ảnh hưởng rất lớn khiến dư luận đặt câu hỏi liệu còn “Vina” nào nữa? Tôi thực sự đau lòng, người dân phê phán là đúng, thua lỗ tiền tỉ như thế ai không xót ruột” - Thủ tướng nói.
Cổ phần hóa chậm
Một trong những tồn tại lớn của khu vực DN Nhà nước là tiến độ sắp xếp đổi mới DN, đặc biệt là cổ phần hóa còn chậm.
Ông Nguyễn Viết Muôn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN, cho biết năm 2012, cả nước sắp xếp được 21 DN, trong đó có 13 DN được cổ phần hóa, 5 DN được sáp nhập và 3 DN chuyển thành công ty TNHH một thành viên. Đối với nhiệm vụ tái cơ cấu Vinashin, Bộ GTVT đang chủ trì phối hợp với các bộ liên quan hoàn thiện đề án trình Bộ Chính trị vào cuối tháng 1-2013.
Vấn đề thoái vốn đầu tư ngoài ngành cũng được nhiều tập đoàn đề cập cùng với những khó khăn cần tháo gỡ để đạt được lộ trình thoái vốn trước năm 2015. Đại diện Tổng Công ty Đầu tư xây dựng (Vinaconex) cho biết nguyên nhân khó bán vốn DN là do giá trên sổ sách cao hơn giá thị trường. Tính theo sổ sách, giá cổ phiếu của DN này đạt 17.000 đồng/cổ phiếu nhưng giá thị trường chỉ khoảng 10.000 đồng/cổ phiếu. Do đó, Vinaconex đề nghị Chính phủ cho phép được bán cổ phiếu theo giá thị trường có cộng trừ biên độ để có thể tái vốn, bảo đảm dòng tiền.
Chỉ đạo việc thoái vốn Nhà nước đầu tư ngoài ngành, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các DN phải rút lui có trật tự và chọn phương án an toàn, hiệu quả nhất.
“Tăng đầu tư mà giảm lợi nhuận là không được!”
Năm 2013, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đặt chỉ tiêu kế hoạch về vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu, tổng tài sản đều cao hơn so với năm 2012 nhưng các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận trước thuế, nộp ngân sách lại giảm, trong đó, lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt khoảng 10%. Bộ Kế hoạch - Đầu tư dự báo điều đó sẽ tác động tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế nói chung vì khu vực này đang đóng góp gần 30% GDP và 40% ngân sách Nhà nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các DN phải nỗ lực bằng mọi cách để đạt lợi nhuận cao hơn và xem xét giảm đầu tư. “Trong khi nhân dân đang phê phán đầu tư Nhà nước dàn trải, hiệu quả thấp, chúng ta tiếp tục tăng đầu tư mà lại giảm lợi nhuận là không được và không phù hợp với mục tiêu Chính phủ đề ra là năm nay phải đạt tăng trưởng cao hơn, lạm phát thấp hơn so với năm 2012” - Thủ tướng phân tích.
Thủ tướng chỉ đạo các DN phải nâng cao quản trị, quan tâm xây dựng tổ chức Đảng, coi đây là nhân tố quan trọng khắc phục những tồn tại, yếu kém của DN Nhà nước. Thủ tướng cũng lưu ý trong quá trình tái cơ cấu, lãnh đạo DN phải đoàn kết, thống nhất, đồng lòng vì danh dự chung của tập đoàn, tổng công ty mình. “Để người dân nói DN Nhà nước hiệu quả thấp, tiêu cực và mất đoàn kết thì buồn quá. Vì vậy, phải khắc phục, nhất là khâu cán bộ” - Thủ tướng nhắc nhở.
Tăng thu cho người lao động Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, năm 2012, thu nhập bình quân của người lao động tại 8 tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước là 9,41 triệu đồng/tháng. Thu nhập bình quân của cả 73 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước thấp hơn, đạt 6,88 triệu đồng/người/tháng. DN có thu nhập cao là Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) với mức bình quân của người lao động đạt 18 triệu đồng/tháng, tăng 12% so với năm 2011. Năm 2013, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đặt kế hoạch tăng thu nhập bình quân của người lao động lên 10,06 triệu đồng/tháng, thu nhập chung của khối lên 7,41 triệu đồng/tháng. |
Bình luận (0)