Hơn 3 năm qua, những người dân này đi gõ cửa công quyền nhưng vẫn không được giải quyết thấu đáo. Trong khi đó, nhiều hộ lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, tán gia bại sản, còn những kẻ chiếm đoạt tiền tìm cách lách luật để làm ăn phi pháp...
Bán đất, mất nhà vì… cả tin
Ông Nguyễn Đình Hòa (trú thôn 19/5, xã Ea Yông, huyện Krông Pắk) cầm lá đơn kêu cứu gửi đến Báo CAND trong nước mắt: "Cách đây vài năm, cuộc sống của gia đình tôi tuy không sung túc nhưng cũng được gọi là có của ăn của để. Với hơn 1ha cà phê kinh doanh, mỗi năm, sau khi trừ mọi khoản chi phí xong gia đình cũng kiếm được dăm chục triệu đồng. Đầu năm 2009, vợ chồng ông Trần Văn Tâm (chủ DNTN Hoàng Phúc đóng tại xã Ea Yông) đến nhà tỉ tê mượn sổ đỏ thế chấp ngân hàng vay vốn làm ăn. Nghe lời ngon ngọt, lại là chỗ bà con thân thích trong dòng tộc nên tôi đã tin tưởng và nghĩ, nếu cho họ mượn còn được tiền lãi nên tôi chẳng chút nghi ngờ".
Thế rồi vài tháng sau đó, bất ngờ DNTN Hoàng Phúc tuyên bố vỡ nợ. Với khoản nợ hơn 300 triệu tại ngân hàng, hết đường ông Hòa cầm đơn nhờ pháp luật giúp đỡ. Nhưng hơn 3 năm qua, "sự giúp đỡ" của cơ quan hành pháp đối với ông Hòa không ngoài một câu: "DNTN Hoàng Phúc tài sản chẳng còn gì để lấy". Và cũng ngần ấy thời gian vợ chồng ông Hòa phải còng lưng trả hàng trăm triệu đồng tiền nợ và lãi cho ngân hàng. Từ hơn 1ha đất canh tác, nay ông chỉ còn vài sào vì buộc phải bán lấy tiền trả nợ. Mấy đứa con đang ăn học, ông Hòa cứ đắn đo mãi: "Hay là cho chúng nó nghỉ?". Từ một nông dân đang sống khỏe trên đất của mình, chỉ vì cả tin, giờ vợ chồng ông Hòa phải đi làm thuê để kiếm sống.
Chuyện của gia đình ông Hòa chỉ là một trong trong gần 60 nạn nhân tại xã Ea Yông, huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) vừa gửi đơn cho Báo CAND để kêu cứu. Theo phản ánh, 60 hộ dân nói trên đang bị vợ chồng ông Tâm nợ gần 3 tỷ đồng (tính theo giá cà phê thời điểm năm 2009 là 29.000 đồng/kg). Hầu hết họ đều bị vợ chồng ông Tâm "ngọt nhạt" ký gửi cà phê cho doanh nghiệp để hưởng lợi. Nhưng lợi thì chẳng thấy đâu chỉ thấy nhiều người phải bán đất, bán xe vay mượn khắp nơi để ổn định cuộc sống.
Có dấu hiệu lừa đảo?
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Thế Nhiệm, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Krông Pắk cho biết: "Việc hàng chục hộ dân tại xã Ea Yông bị vợ chồng ông Tâm chạy nợ đã được tòa án huyện thụ lý giải quyết, người dân cũng đã có đơn yêu cầu thi hành án. Tuy nhiên, qua xác minh của đơn vị thì vợ chồng họ giờ chỉ còn tài sản duy nhất là nhà xưởng trị giá chưa đến 700 triệu đồng, không đủ để trả nợ ngân hàng.
Chính vì thế đơn vị đã trả đơn yêu cầu cho dân vì không thể thi hành án được. Hơn nữa, hiện tại vợ chồng ông Tâm đã bỏ đi nơi khác, không xác định được tung tích. Không chỉ người dân bị nợ mà ngay cả Chi cục Thi hành án cũng bị vợ chồng ông Tâm nợ hơn 100 triệu đồng tiền thi hành hơn 40 bản án".
Thế nhưng, theo bà Nguyễn Thị Mùi (trú thôn Phước Hòa, xã Ea Yông) cho biết: "Hôm lên tòa án hòa giải, ông Tâm kiên quyết không chịu ký vào quyết định của tòa. Nhưng sau đó, được quan tòa động viên "cứ ký đi, nỏ chi mô", thì ông Tâm đã ký". Theo quyết định của tòa án, ông Tâm buộc phải trả lại số cà phê ký gửi (quy ra tiền) cho dân. Song đến nay, không một hộ dân nào được trả nợ dù chỉ một đồng. Nhiều hộ dân khác khẳng định, hiện gia đình ông Tâm đang sống sung túc tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).
Về vấn đề này, ông Phạm Thế Nhiệm cho biết: "Những sự việc mà dân phản ánh thì doanh nghiệp có dấu hiệu lừa đảo là rất rõ ràng. Tuy nhiên, do đã có bản án nên cơ quan Công an không thể vào cuộc. Về phía đơn vị thi hành án, chúng tôi cũng không thể làm gì được vì họ chẳng có tài sản gì. Đây chính là kẽ hở của pháp luật để nhiều người "lách". Trước khi có bản án, chỉ cần đối tượng lừa đảo cho một người thân nào đó đứng tên toàn bộ tài sản của mình thì pháp luật bó tay, không thể lấy được. Đối tượng lừa đảo vẫn nghiễm nhiên sống trong nhà của mình, chỉ có điều ngôi nhà đó mang tên một người khác".
Bình luận (0)