“Việc quản lý lễ hội rất phức tạp” - hơn một lần, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Huỳnh Vĩnh Ái nhấn mạnh như vậy tại hội nghị bàn về công tác quản lý và tổ chức lễ hội 2013 diễn ra ngày 18-1 tại Hà Nội.
Du khách thắp hương tại lễ hội đền Trần (Nam Định). ẢNH: TTXVN
Nhiều biến tướng
Tại hội nghị, ông Phạm Văn Thủy, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VH-TT-DL, thừa nhận nhiều hiện tượng làm xói mòn giá trị tốt đẹp của lễ hội vẫn đang tồn tại như tệ nạn đánh bạc, lạm dụng tín ngưỡng để hành nghề mê tín dị đoan... Cá biệt, có những hiện tượng gây bất bình trong dư luận cần phải phê phán như diễn viên vừa hát quan họ vừa ngả nón xin tiền tại hội Lim.
Ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh Thanh tra Bộ VH-TT-DL, cho biết tại một số di tích, hòm công đức được đặt không phù hợp. Tình trạng khấn thuê, bói toán xảy ra ở nhiều nơi như đền Đồng Bằng, đền Tiên La (Thái Bình), đền Mẫu (Hưng Yên), đền Cuông, đền Cờn (Nghệ An), chùa Bồ Đà, chùa Thổ Hà (Bắc Giang), đền Mẫu, đền Bắc Lệ (Lạng Sơn)…
Năm 2012, dù đã xây dựng phương án không chỉ phát ấn đền Trần vào tối 14 tháng giêng mà chuyển sang 7 giờ hôm sau và phát cho đến khi hết ấn, thế nhưng, mô hình mới này vẫn chưa ổn. Ngày chính hội đền Trần (Nam Định) không còn cảnh chen nhau đến ngạt thở nhưng chỉ 3 ngày sau, số lượng ấn phát ra đã cạn kho.
Về việc này, ông Nguyễn Chí Bền, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, thừa nhận: “Đã xảy ra tình trạng một số người đăng ký “ôm” từ 500 đến 1.000 bản ấn, chờ lúc hết ấn để bán ra với giá cao”. Chính vì thế, khi bàn giải pháp cho lễ hội đền Trần 2013, ông Nguyễn Chí Bền cho rằng: “Lễ hội đền Trần là nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân, không thể không quản lý được là cấm. Vấn đề quan trọng là chúng ta phải thay đổi mô hình quản lý lễ hội ở ngôi đền có tiếng là thiêng này”.
Trên thực tế, theo thông tin từ một cuộc điều tra xã hội của Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, có tới 72% người dân được hỏi cho rằng ấn đền Trần có tác dụng mang lại sự bình an, hạnh phúc trong gia đình và chỉ có 15,2% quan niệm ấn giúp thăng quan tiến chức. Tuy nhiên, có tới 52,5% ý kiến người dân đồng ý với đánh giá có nhiều quan chức đi lễ đền Trần để cầu thăng quan tiến chức.
Khó công khai tiền công đức
Quy định về chủ thể được quản lý tiền công đức đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Ông Mai Tư, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Thanh Hóa, cho rằng nhất thiết phải có sự quản lý của các ban quản lý di tích, phải có sự giám sát của chính quyền địa phương. “Nếu để cho các sư trụ trì quản lý thì tài sản đó lại là tài sản cá nhân” - ông Mai Tư nhận xét.
Trong khi đó, bà Hoàng Thị Quỳnh Anh, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Nghệ An, lại cho rằng rất nhiều Phật tử đóng tiền công đức vì tin cậy vào sư trụ trì, nếu không thì họ không đóng. “Đặt vấn đề ai quản lý tiền công đức trong phạm vi nhà chùa là thừa vì như thế chẳng khác gì dùng “quản lý” chồng lên “quản lý” - bà Hoàng Thị Quỳnh Anh nhấn mạnh.
Bình luận (0)