Tại hội nghị tổng kết hoạt động năm 2012, ông Tô Duy Lâm, Phó Giám đốc Ngân hàng (NH) Nhà nước Chi nhánh TPHCM, cho biết năm 2012, tổng huy động vốn tăng 11,2%; tín dụng tăng 11,97%; lãi suất giảm dần và ổn định. Dư nợ cho vay với lãi suất dưới 15%/năm chiếm 80%-83% trong tổng dư nợ tín dụng. Đến nay, các NH thương mại đã cơ cấu lại nợ cho các doanh nghiệp là 73.160 tỉ đồng.
Theo ông Lâm, nợ xấu tiếp tục ảnh hưởng đến tính ổn định bền vững của thị trường tiền tệ và hoạt động NH, tác động lớn đến quá trình mở rộng tăng trưởng tín dụng của các NH. Nhiều tổ chức tín dụng vi phạm ngày càng tinh vi và khó phát hiện, nhất là việc lách trần lãi suất, tập trung cấp tín dụng quá lớn cho nhóm cổ đông, người có liên quan, cạnh tranh không lành mạnh. Thanh khoản của một số tổ chức tín dụng còn yếu do nợ xấu cao, chất lượng tín dụng kém, nợ xấu gia tăng so với báo cáo của đơn vị…
Thống đốc NH Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình cũng thừa nhận việc lách trần lãi suất huy động đến thời điểm này vẫn tồn tại nhưng quy mô không lớn như trước. Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, năm 2013, dự kiến tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ở mức 12%-13% và NH Nhà nước vẫn áp dụng hạn mức tín dụng cho từng NH để bảo đảm chất lượng tăng trưởng tín dụng và kiểm soát chất lượng tín dụng.
Đề nghị chuyển đổi dư nợ cho vay vàng sang tiền đồng Liên quan đến hoạt động cho vay vàng, ông Đỗ Minh Toàn, Phó Tổng Giám đốc NH TMCP Á Châu (ACB), cho biết dù việc huy động vàng đã chấm dứt từ lâu nhưng dư nợ cho vay vàng tại một số NH thương mại vẫn còn do các khoản cho vay vàng để mua nhà thường có thời hạn từ 5-10 năm nhưng NH đã phải ngừng huy động hoàn toàn từ tháng 11-2012. Tính trung bình, các khoản vay mua nhà bằng vàng của khách hàng phải 3,5-3,8 năm mới đến hạn tất toán. “NH Nhà nước nên có hướng dẫn cho phép các NH thương mại được chuyển đổi dư nợ cho vay vàng sang tiền đồng, nếu không, NH sẽ phải bỏ tiền đồng ra mua vàng để cho vay” - ông Toàn đề xuất. |
Bình luận (0)