Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản hôm 24-1 cho biết nước này đã 91 lần điều máy bay chiến đấu để chặn máy bay Trung Quốc xâm nhập không phận nước này trong 3 tháng cuối năm 2012. Đây là quý mà máy bay Nhật có số lần xuất kích nhiều nhất để đối phó với Trung Quốc kể từ khi Tokyo bắt đầu công bố số liệu này vào năm 2005. Nếu tính từ tháng 4 đến tháng 12-2012 thì con số này lên đến 160 lần.
Ông Natsuo Yamaguchi (trái) trao thư của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho ông Tập Cận Bình hôm 25-1. Ảnh: REUTERS
Báo The Wall Street Journal (Mỹ) nhận định sự gia tăng nói trên cho thấy Tokyo đang tỏ ra quyết liệt hơn trong việc ngăn chặn máy bay Trung Quốc xâm phạm những nơi mà Tokyo xem là không phận của mình ở biển Hoa Đông. Động thái này cũng nêu bật nỗi lo ngại ngày càng tăng rằng cuộc tranh cãi giữa hai nước về chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang leo thang.
Theo các chuyên gia, cuộc tranh cãi có thể đã bước sang một giai đoạn mới nhiều rủi ro hơn với sự hiện diện của tàu hải quân Trung Quốc và máy bay của cả hai bên tại những vùng xung quanh quần đảo này. Ông James Schoff, một nhà phân tích tại Quỹ Hòa bình quốc tế Carnegie, cho rằng diễn biến mới đáng lo ngại hiện nay là Trung Quốc không những gia tăng tần suất và thời gian hiện diện của tàu hải giám ở những vùng biển nhạy cảm quanh Senkaku/Điếu Ngư mà còn tìm cách đưa máy bay, trong đó có cả máy bay chiến đấu, tiếp cận quần đảo này.
Trên mặt trận ngoại giao, các nỗ lực nhằm giải quyết tranh cãi trên đang bị đình trệ kể từ khi hai nước có sự thay đổi lãnh đạo vào cuối năm ngoái. Trong động thái nhằm phá vỡ bế tắc, ông Natsuo Yamaguchi, Chủ tịch Đảng Công Minh mới của Nhật Bản, hôm 25-1 đã trao cho Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình lá thư của Thủ tướng Shinzo Abe. Hiện chưa rõ nội dung lá thư này.
Tại cuộc gặp, ông Tập Cận Bình khẳng định lập trường của Bắc Kinh đối với Senkaku/Điếu Ngư là “rõ ràng và nhất quán”, đồng thời thúc giục Tokyo hợp tác để giải quyết vấn đề này. Ông Tập Cận Bình nói thêm rằng Nhật Bản nên “tôn trọng cảm nhận của người dân Trung Quốc và xử lý đúng đắn những vấn đề lịch sử”. Trong khi đó, ông Yamaguchi tin tưởng tranh cãi này có thể được giải quyết thông qua đối thoại.
Tình hình tại biển Hoa Đông càng thêm phức tạp bởi sự tham gia đòi chủ quyền Senkaku/Điếu Ngư của Đài Loan. Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản hôm 24-1 đã buộc phải dùng đến vòi rồng để ngăn một tàu chở nhà hoạt động Đài Loan đến quần đảo mà họ gọi là Điếu Ngư Đài này. Sau khi trở về cảng thành phố Tân Bắc vào tối cùng ngày, nhóm người Đài Loan thuộc tổ chức “Bảo vệ Điếu Ngư Đài” tuyên bố sẽ kiện chính phủ Nhật Bản vì dùng vòi rồng bắn vỡ tàu của họ và làm cho toàn bộ nhóm người này bị cảm lạnh.
Philippines có quyền hợp pháp kiện Trung Quốc Quan chức Thái Lan và Singapore cho rằng Philippines có quyền hợp pháp khi đưa tranh chấp chủ quyền tại biển Đông với Trung Quốc ra Tòa án Trọng tài của Liên Hiệp Quốc. Tuyên bố trên được Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Thái Lan Surapong Tovichakchaikul đưa ra bên lề chương trình giao lưu quan chức dân sự Singapore - Thái Lan thường niên. Ngoại trưởng Singapore Kasiviswanathan Shanmugam cũng bày tỏ quan điểm tương tự. Cả hai ông đều nhấn mạnh rằng các bên liên quan nên theo đuổi những biện pháp hòa bình nhằm giải quyết cuộc tranh chấp chủ quyền đang ngày một căng thẳng tại biển Đông. Ngoại trưởng Thái Lan Surapong hy vọng vấn đề này sẽ được thảo luận tại hội nghị các quan chức cấp cao giữa ASEAN và Trung Quốc vào tháng 3 tới. Ngoài ra, ông Surapong nói rằng Thái Lan, trong vai trò điều phối viên quan hệ ASEAN - Trung Quốc, sẽ “tiến hành các cuộc tham vấn chặt chẽ với các bên liên quan”. Trong khi đó, Ngoại trưởng Shanmugam tuyên bố ông tin chắc Philippines “đã xem xét kỹ vấn đề quyền lợi quốc gia” trước khi đi đến hành động trên.
Huệ Bình |
Bình luận (0)