Ông Giang cho biết điều lệ của Hội đồng Thể thao Đông Nam Á cho phép nước chủ nhà được tự chọn số môn và số nội dung đưa vào chương trình thi đấu của SEA Games. “Đây không phải lần đầu tiên một nước chủ nhà gây ra tranh cãi khi dự định không tổ chức nhiều môn. Năm 2011, ở SEA Games 26, Indonesia không tổ chức bóng đá nữ nhưng tất cả vẫn phải chấp nhận” - ông Giang nói.
Phó chủ tịch VOC cho biết kể cả khi Myanmar loại những môn như bóng bàn, cầu lông ra khỏi đại hội thì các nước thành viên cũng phải chấp nhận chứ đừng nói riêng gì thể dục dụng cụ (TDDC). Tuy nhiên, ông Giang khẳng định: “Chắc chắn các nước sẽ đều đấu tranh để TDDC được tổ chức. Các nội dung quan trọng của bơi lội, điều kinh, bắn súng nếu bị loại thì cũng phải chấp nhận nhưng về phía đoàn Việt Nam, chúng ta sẽ đấu tranh tối đa để không mất quá nhiều nội dung thế mạnh”.
Myanmar cũng như nhiều quốc gia từng là chủ nhà của SEA Games đang phải tính toán để làm sao đạt vị trí tốt nhất trên bảng tổng sắp huy chương tại đại hội. Myanmar dự định loại môn TDDC từng đem về 11 HCV cho thể thao Việt Nam tại SEA Games 2011, 2 nội dung bơi thế mạnh của kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên và 5 nội dung có thể giúp điền kinh Việt Nam giành HCV. Theo ông Hoàng Vĩnh Giang, người có nhiều kinh nghiệm ở những cuộc “mặc cả” giữa các nước thành viên Hội đồng Thể thao Đông Nam Á và chủ nhà SEA Games, đấu trường SEA Games có đặc thù khác biệt, không chỉ đơn giản là cuộc tranh tài thể thao mà còn là ngày hội của cộng đồng các quốc gia trong khu vực. Vì thế, các quốc gia đều có tinh thần “nhường nhịn” để chủ nhà có vị thế tốt sau đại hội.
Myanmar đang nhắm tới mục tiêu đứng trong tốp 2 sau SEA Games 27, điều đó sẽ làm ảnh hưởng tới nhiệm vụ đứng trong tốp 3 của đoàn Việt Nam. Tuy nhiên, ông Giang vẫn tự tin: “Chắc chắn với dự định số môn và các nội dung sẽ tổ chức của Myanmar, chúng ta vẫn có mặt trong nhóm 3 nước dẫn đầu. Nếu mất 5-10 HCV thì cũng không quá ảnh hưởng đến mục tiêu của chúng ta”.
Theo dự định ban đầu, SEA Games 27 sẽ có 31 môn với gần 450 nội dung thi đấu.
Không dự SEA Games vẫn được đầu tư Lực lượng chủ lực của thể thao Việt Nam hiện nay vẫn hướng đến đấu trường SEA Games với chu kỳ 2 năm và bắt đầu tăng tốc khi nước chủ nhà chính thức công bố nội dung thi. Có ý kiến cho rằng thể thao Việt Nam vẫn quá háo hức với SEA Games bởi đó là nơi có thể gặt hái nhiều “vàng”, trong khi đấu trường Á vận hội và Olympic bị coi là quá tầm nên không được đầu tư. Tuy nhiên, theo ông Lâm Quang Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, chiến lược SEA Games hiện nay được xây dựng riêng biệt. Ông Thành cho hay: “Ngay cả khi không góp mặt ở SEA Games, các VĐV vẫn sẽ được đầu tư tốt để gặt hái huy chương châu lục và thế giới”. |
Bình luận (0)