Cùng với sự sôi động của thị trường chứng khoán trong thời gian gần đây, khối nhà đầu tư nước ngoài cũng đã liên tục mua vào cổ phiếu với khối lượng lớn. Theo số liệu thống kê của một tổ chức tài chính, trên sàn niêm yết, khối ngoại đang liên tục mua ròng. Chỉ trong 3 tuần đầu của năm 2013, họ đã mua ròng hơn 73 triệu USD.
Nắm giữ khoảng 7/36 tỉ USD
Theo thống kê của Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tính đến ngày 11-1, nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ khoảng 7 tỉ USD trong tổng số 36 tỉ USD giá trị vốn hóa của các công ty niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM. Năm 2012, lượng vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam đạt 300 triệu USD, tăng 25% so với năm 2011.
Cũng theo VDSC, xu hướng mua ròng trong thời gian qua xảy ra liên tục, kể cả những thời điểm thị trường giảm mạnh như tháng 5 và tháng 8-2012. Điều này cho thấy thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc bộ phận phân tích Công ty CP Chứng khoán Maybank KimEng, cho rằng việc khối ngoại liên tục mua trên sàn niêm yết trong thời gian gần đây chỉ là bề nổi. Thực tế, họ đã mua gom cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp từ cuối năm 2011 và năm 2012 thông qua các tổ chức.Vì sớm cảm nhận được sự thay đổi của kinh tế Việt Nam nên họ tích cực chớp thời cơ mua rẻ. “Họ cũng muốn kiếm lời mà theo quy luật đơn giản của dòng tiền là nước sẽ chảy về chỗ trũng. Thực tế, chỉ chưa đầy 2 tháng trở lại đây, nhiều cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng đến 200%” - ông Phan Dũng Khánh nhận xét.
Trong số tỉ lệ mua ròng của khối ngoại có một phần không nhỏ tỉ lệ đầu cơ của các quỹ đầu tư chỉ số (ETF). Điều này đang gây lo ngại cho các nhà đầu tư trong nước vì họ cho rằng nhiều nhà đầu tư nước ngoài chỉ đầu cơ ngắn hạn, sẽ không mang lại tính ổn định cho thị trường.
Đón đầu mở room?
Ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho biết Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã và đang thực hiện các kế hoạch để có thể hút vốn của nhà đầu tư nước ngoài một cách chính đáng. Cụ thể, đối với doanh nghiệp niêm yết trong các lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm quyền chi phối, sẽ cho phép nước ngoài sở hữu 51%-60% (nhưng không có quyền biểu quyết với phần vượt room 49%). Đối với các ngân hàng thương mại yếu kém, cần thu hút thêm vốn để tái cơ cấu, có thể bỏ khống chế tỉ lệ 30% hoặc cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài nắm 20% vốn. Riêng các công ty chứng khoán có thể xem xét cho nước ngoài sở hữu vốn từ 49% đến 100%...
Theo một số chuyên gia, ngoài việc sớm cảm nhận được sự thay đổi của kinh tế Việt Nam, việc nhà đầu tư nước ngoài gia tăng mua cổ phiếu là để đón đầu chính sách nới room cho khối ngoại.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng thời gian qua, nhà đầu tư nước ngoài mạnh tay mua vào nhưng chủ yếu là với cổ phiếu ở những lĩnh vực trọng yếu, doanh nghiệp làm ăn hiệu quả. Trong khi đó, những doanh nghiệp yếu kém thì vẫn chưa được họ quan tâm. Chuyên viên phân tích của một công ty chứng khoán nhận xét việc mở room chắc chắn sẽ thu hút được khối ngoại ở một nhóm cổ phiếu thỏa mãn tiêu chí của họ chứ không có lợi cho toàn thị trường. Chưa kể là sẽ mất nhiều thời gian để các giải pháp trên được đưa vào thực tiễn bởi phải sửa đổi những quy định hiện hành.
Một chuyên gia tài chính cho rằng đã là thị trường thì cần có sự hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư, còn việc họ đầu tư ngắn hay dài hạn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, cơ chế và tình hình thị trường. Không thể cho rằng các quỹ ETF đầu tư là sẽ gây bất ổn. Thực tế, thời gian qua, các quỹ này đã góp phần làm thị trường sôi động hơn. |
Bình luận (0)