- Bác dạo này sao bác? (Người Quảng Nam thường hỏi: Hồi ni bác răng, khỏe không...?).
Ông già nghe đã ngứa lỗ tai, thủng thẳng hỏi:
- Con mới dề đó hả?
- Dạ con mới dìa.
- Hư... ừm..., rứa chớ hồi mô dô lại rứa con?
- Dạ, ra tớt con dô trỏng lại đó bác. Dạ, có gì không bác?
- Ừ, hồi mô dô nhớ nói bác biết, bác gửi cái ni.
- Dạ, cái gì bác?
- Chẳng có chi, gửi con chó vô, hồi dề hắn sủa tiếng Sài Gòn nghe chơi!
Chuyện này không phản ánh tính hay cãi nhưng phản ánh tính nói gay, có chi nói thẳng của người Quảng, xét cho cùng nó cũng họ hàng đâu đó với tính hay cãi.
Lý giải tính hay cãi của người Quảng Nam, phần lớn các ý kiến tập trung vào 3 quan điểm sau:
Một là, đây là nơi có môi trường sống không dễ dàng, thậm chí khắc nghiệt. Mùa hè thì nóng bức, mùa mưa thì bão lụt. Con người phải mạnh mẽ, dữ dội lắm mới tồn tại được, lâu ngày thành thói quen.
Hai là, đây là nơi lưu đày các tội đồ của triều đình, là nơi tụ hội của dân tứ chiếng, đầu trộm đuôi cướp. Chính cái tính cách mạnh mẽ của họ đã truyền lại cho con cháu mà thành nên tính cách quyết liệt của người Quảng hôm nay.
Ba là, đây là đất của người Chăm. Mà trong lịch sử, người Chăm theo sử liệu thường được mô tả là "tính cách mạnh mẽ, giỏi đi biển". Trong quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa, người Việt tiếp thu nhiều thứ, trong đó tiếp thu cả tính cách "ăn sóng nói gió" này. Ðặc biệt, tính cách mạnh mẽ này đã được Nguyễn Trãi nói đến trong Dư địa chí: "Dân vùng này nhiễm tục cũ của người Chiêm, tính tình hung hãn, quen khổ sở".
Nếu đây là sự kế thừa tính cách của người Chăm thì cớ sao Quảng Ngãi, Bình Ðịnh, Phú Yên lại không nổi bật tính hay cãi trong khi các vùng đất này mới chính là nơi người Chăm sinh sống và chuyển sang Việt muộn hơn rất nhiều so với Quảng Nam?
Thực sự, đã có ngót 500 năm hai tộc người Chăm - Việt sống cạnh nhau; tôn trọng, hòa hiếu hay không tùy theo từng thời điểm nhưng chắc chắn rằng trong suốt 500 năm đó, bất cứ dân tộc nào nếu buông lỏng sự giữ gìn bản sắc của mình đều bị tiêu vong.
Có nhiều bằng chứng cho thấy đến năm 1802 (khi Gia Long lên ngôi), ở Ðà Nẵng và Quảng Nam vẫn còn rất nhiều những làng người Chăm sinh sống, thậm chí họ vẫn bảo lưu được giọng nói, y phục của mình mặc dù đã mất chủ quyền từ 500 năm trước. Ðiều đó có nghĩa là họ, người Chăm, đã ý thức về bản sắc văn hóa của mình và họ quyết bảo lưu, giữ gìn nó. Hãy thử hình dung họ bảo lưu bằng cách nào nếu đó không phải là thái độ phê phán gay gắt những gì khác mình? Những khảo sát ban đầu cho thấy suốt một thời gian dài các làng Chăm - Việt ấy đã "cài da beo", sống xen kẽ nhau, làng này cách làng kia một cánh đồng, một bàu nước hay thậm chí một con đường làng nhỏ.
Có nhiều bằng chứng về sự xung đột giữa hai nền văn hóa này. Chiếu bình Chiêm có những câu "Bọn búi tóc dùi", "Nó cấm dân ta mổ thịt"... Tại sao lại cấm mổ thịt? Vì người Chăm thờ bò, còn người Việt thì mổ bò khi cả làng ăn hội (có câu thành ngữ: Ồn như mổ bò). Trong khi người Việt bảo người phụ nữ phải tam tòng, tứ đức phụ thuộc hoàn toàn vào người chồng thì người phụ nữ Chăm nắm hết quyền hành trong gia đình, cởi áo phơi ngực ra mà nhảy múa trong ngày lễ hội. Khi người Việt bảo trời, Phật mới là tối thượng thì người Chăm bảo Shiva, Vishnu mới là đấng tối cao... Cứ vậy, họ đã cãi nhau suốt hơn nửa thiên niên kỷ ấy.
Ai cũng phải cố trung thành với niềm tin của mình, cố khẳng định mình đúng, có sai phè ra cũng phải cãi cố cho được là mình đúng. Ðây không phải chỉ là tính bảo thủ mà là sự sống còn của bản sắc văn hóa, sống còn hay diệt vong của một dân tộc. Cãi mới tồn tại! Không cãi, lịch sử Ðàng Trong, giọng nói, tính cách người Quảng có lẽ đã khác!
Lập luận trên hữu lý nhưng cũng như các lập luận khác, nó không thể chứng minh. Dù vậy, trên cơ sở ấy, ta có hướng tiếp cận khác, đó là sau khi khảo sát giọng nói người Quảng Nam, sau khi kết luận được "giọng nói người Quảng Nam chính là giọng của người Chăm nói tiếng Việt" thì chúng tôi chú ý đến vốn từ vựng của người Quảng và chợt nhận ra là họ có một vốn từ vựng nghèo nàn một cách trầm trọng. Không kể danh từ vật nào tên nấy, không thiếu nhưng với tính từ, trạng từ, nhất là từ biểu lộ tình cảm thì vô cùng thiếu và ít. Những câu người Bắc, dân Khu 4, Quảng Trị, Huế diễn đạt một cách đơn giản, dễ dàng, sắc thái biểu cảm sinh động, như: Ðiêu, quá đáng, tinh tướng, hão, háo, vẽ chuyện, ra phết, đanh đá... thì người Quảng Nam hoàn toàn không biết đến những từ này. Xem một người Quảng Nam diễn đạt vất vả một chuyện gì đó, ta hiểu họ đã phải thay sự diễn đạt đó bằng những câu khái quát chung như: "Cái này cái nọ", "nói chung là", "cứ rứa"... được xuất hiện với tần số khá nhiều, trong khi người miền khác lại không dùng đến. Ðó chính là vì hiện tượng người nước ngoài nói ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ. Chính người Chăm nói tiếng Việt nên vốn từ của họ không đầy đủ, nhất là các tính từ, trạng từ và câu biểu cảm, như người Việt.
Phải chăng, chính sự diễn đạt khó khăn đó đã tạo nên tính cách? Chính vì không thể diễn đạt được các sắc thái tình cảm tinh tế, không nói được điều cần nói một cách bay bổng, nhẹ nhõm mà người Quảng Nam đã lấy sự chân thành bù trừ? Chính vì không diễn đạt được, không biểu cảm bóng bẩy được nên người Quảng Nam lấy nói thẳng làm ưu thế, lấy thẳng thắn và trung thực làm sở trường để chống lại cái sở đoản trong văn hóa diễn đạt? Mà nói thẳng thì hay gay gắt, thật lòng thì hay gây giận, trung thực thì dễ làm cáu. Tất cả những tính cách ấy đều dẫn đến một thái độ tương đối căng thẳng trong cuộc sống. Và hay cãi cũng là thuộc tính tất yếu của tính cách này. Nhìn dưới góc độ nào đi nữa thì đây cũng là hệ quả, dấu vết của việc người Chăm từ bỏ ngôn ngữ của mình để nói tiếng Việt.
Cũng như các giả định khác, có thể đúng có thể sai nhưng chí ít giả định này có thể chứng minh được nếu ta có được công trình về vốn từ của người Quảng cùng với công cụ tâm lý học tham gia. Khi mà có thể chứng minh được, kiểm chứng được thì sẽ mang tính khoa học cao hơn các giả định khác.
Bình luận (0)