Một phái đoàn nghị sĩ Mỹ hôm 29-1 đã bày tỏ sự ủng hộ việc Philippines đưa vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở biển Đông ra tòa án trọng tài quốc tế theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Theo báo Philippine Daily Inquirer, Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario đã thông báo với phái đoàn nghị sĩ Mỹ đang ở thăm Manila về vụ kiện và nhận được sự ủng hộ từ họ. Theo ông Del Rosario, Manila buộc phải thực hiện bước đi trên sau khi mọi nỗ lực ngoại giao thất bại.
Trợ lý ngoại trưởng Philippines Carlos Sorreta cho biết: “Các thành viên Quốc hội Mỹ đã bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ những nỗ lực của chúng tôi trong việc giải quyết vấn đề một cách hòa bình và phù hợp với UNCLOS. Chúng tôi đã thảo luận chi tiết về vụ kiện và họ rất quan tâm, ủng hộ những lập luận của Philippines”.
Ngoại truởng Philippines Albert Del Rosario (phải) tiếp nghị sĩ Mỹ Edward Royce hôm 29-1. Ảnh: AP
Phái đoàn nghị sĩ Mỹ gồm 5 thành viên, do ông Edward Royce, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, dẫn đầu. Phát biểu sau cuộc gặp các quan chức Philippines hôm 29-1, ông Royce đã lên tiếng thúc giục Trung Quốc đối mặt với Philippines tại tòa án, cho đây là cách tốt nhất để tránh căng thẳng tiếp tục gia tăng.
Ông cho biết Washington không đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp nhưng ủng hộ một giải pháp ngoại giao được quốc tế công nhận. Ông Royce nói với hãng tin AP: “Tốt nhất là Trung Quốc nên tham gia tiến trình xét xử để có thể đạt được giải pháp theo luật quốc tế. Chúng tôi muốn tình hình trở nên ổn định”.
Sau khi rời Manila, phái đoàn nghị sĩ Mỹ sẽ đến Bắc Kinh trong ngày 30-1 và nhiều khả năng sẽ thảo luận với nước chủ nhà về vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng. Bắc Kinh cho đến giờ vẫn chưa chính thức cho biết liệu có tham gia tiến trình xét xử hay không mà chỉ nói động thái của Manila khiến vấn đề biển Đông thêm “phức tạp”.
Không những thế, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hôm 28-1 còn tìm cách giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của cuộc đối đầu với Philippines ở biển Đông khi cho rằng tình hình ở đảo Hoàng Nham (Manila gọi là bãi cạn Scarborough) “đang ổn định” và hy vọng không có thêm va chạm nào với Philippines.
Theo Tân Hoa Xã, ông Hồng Lỗi tiếp tục khẳng định đảo Hoàng Nham là “lãnh thổ không thể bàn cãi” của nước này. Ông thậm chí còn đổ lỗi tranh chấp phát sinh tại đây là do “các tàu quân sự Philippines quấy rối ngư dân và tàu cá Trung Quốc” vào năm ngoái.
Đây được xem là phản ứng của Trung Quốc đối với cáo buộc mới đây của Tổng thống Philippines Benigno Aquino, theo đó tàu cá Philippines đã bị tàu Trung Quốc “xua đuổi” khỏi bãi cạn Scarborough. Theo ông Aquino, vụ việc mới nhất này là “giọt nước tràn ly” khiến Manila quyết định kiện Bắc Kinh ra tòa án quốc tế.
Cựu thủ tướng Nhật đến Bắc Kinh
Cựu thủ tướng Nhật Bản Tomiichi Murayama đang ở thăm Trung Quốc với nỗ lực làm giảm căng thẳng liên quan đến vấn đề chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư thông qua kênh ngoại giao.
Ông Murayama, 88 tuổi, trở thành nhân vật chính trị cấp cao thứ 3 của Nhật Bản sang Trung Quốc sau vụ tranh chấp chủ quyền Senkaku/Điếu Ngư, trước đó là cựu thủ tướng Yukio Hatoyama và ông Natsuo Yamaguchi, Chủ tịch Đảng Công minh mới - đảng thành viên thuộc liên minh cầm quyền của Nhật Bản. Giống như ông Yamaguchi, cựu thủ tướng Nhật Bản Murayama được xem là người có thiện cảm với Bắc Kinh và được người Trung Quốc chào đón.
Tuy nhiên, báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng ngày 29-1 dẫn lời giáo sư Lưu Tuấn Hoằng thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Trung Quốc nhận định chuyến thăm của ông Murayama không quan trọng như của ông Yamaguchi, người sang với tư cách phái viên của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Một bài xã luận đăng trên tờ Sankei cảnh báo nếu ông Murayama có những lời nói hay hành động không “thích hợp” trong chuyến thăm này, ông sẽ trở thành “kẻ phản bội”.
Những vấn đề liên quan đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và việc quân đội Nhật Bản tăng thêm quân sẽ được bàn đến trong các cuộc gặp gỡ giữa ông Murayama và các quan chức Trung Quốc. Bắc Kinh đã bày tỏ lo ngại trước việc tăng quân nói trên.
|
Bình luận (0)