“Mấy hôm nay, tôi rất ít ngủ ở nhà do phải ra đường canh bắt heo lậu” - bà Đặng Thị Tuyết, Trưởng Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức - TPHCM, cho biết.
Một vụ vận chuyển heo lậu bằng xe máy bị lực lượng chức năng bắt giữ
Tất cả heo từ phía Bắc, miền Trung và Đồng Nai đưa vào TPHCM phải qua trạm kiểm dịch này. Lượng heo đổ về TPHCM đang tăng lên từng ngày khiến công tác kiểm soát trở nên căng thẳng. Dự báo, từ 24 tháng chạp, lượng heo đổ về TPHCM sẽ tăng đột ngột, có thể gấp đôi so với ngày thường. Vì lợi nhuận, lực lượng vận chuyển sẵn sàng sử dụng mọi thủ đoạn để đưa heo không kiểm dịch, heo bệnh vào TPHCM bán Tết.
1 giờ ngày 31-1, từ trung tâm TPHCM, theo xa lộ Hà Nội, chúng tôi đến Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức để ghi nhận việc bắt heo lậu. Trên tuyến đường này, nhiều tốp CSGT ứng trực, liên tục ra hiệu dừng những ô tô có dấu hiệu chở heo trái phép. Trước Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức, 2 nhân viên thú y và một thanh niên xung phong đang căng mắt nhìn những dòng xe chạy băng băng qua trạm để phát hiện xe chở heo lậu.
“Xe nào chở heo vượt trạm, tôi liền báo CSGT chặn lại. Mấy ngày qua, xe khách, xe tải và cả ô tô 4 chỗ đều có thể vận chuyển heo lậu. Phải có kinh nghiệm mới có thể nhận biết xe nào đang “ém” heo” - ông Nguyễn Văn Hùng, nhân viên thú y trực tại trạm, nói.
Bà Tuyết cho biết có nhiều xe khách từ Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định “ém” thịt heo trong xe để đưa vào TPHCM. Điển hình mới đây, tài xế Phan Đình Tý đã “ém” tới 224 con heo sữa đã xẻ thịt từ Quảng Nam vào mà không có giấy tờ kiểm dịch. Còn một xe khách khác giấu hơn 400 kg thịt và phụ phẩm heo trong khoang hành lý vừa bị phát hiện. Nếu trót lọt, số thịt lậu này sẽ được đưa vào TPHCM.
Hiện nay, Đồng Nai là nơi cung cấp thịt heo nhiều nhất cho TPHCM. Trong khoảng 150 ô tô tải chở động vật và sản phẩm động vật qua Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức (tính từ ngày 30 đến sáng 31-1), có đến 50 xe chở heo từ Đồng Nai vào TPHCM.
Theo bà Tuyết, khó kiểm soát nhất là lực lượng chở thịt heo lậu bằng xe máy. “Họ đi đường ngang ngõ tắt, mình đứng chỗ này thì họ rẽ hướng khác để vào TPHCM” - bà Tuyết cho biết.
Nguy cơ lây lan dịch bệnh Bộ NN-PTNT vừa có công văn gửi các tỉnh, thành yêu cầu tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Bộ này nhận định: Hiện nay, tại nhiều địa phương, người chăn nuôi đang tăng đàn gia súc, gia cầm để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán. Hơn nữa, thời tiết đang bất lợi, làm cho sức đề kháng của gia súc, gia cầm giảm... Vì vậy, nguy cơ dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, đặc biệt là các bệnh cúm gia cầm, tai xanh, lở mồm long móng tái phát và lây lan trong Tết Quý Tỵ là rất cao. |
Bình luận (0)