Trưa 1-2, khảo sát dọc Quốc lộ 1A từ ngã tư Bình Phước đến trạm xe buýt trước Nghĩa trang Liệt sĩ TPHCM, phóng viên Báo Người Lao Động đã ghi nhận được gần chục bến cóc với lượng khách ra vào liên tục.
Xe chạy tuyến Hà Nội - Quảng Ninh dừng giữa đường Phạm Hùng, gần Bến xe Mỹ Đình, để đón khách. Ảnh: VĂN DUẨN
Bắt khách trong chớp nhoáng
Lâu nay, cây xăng Huệ Thiên 3 (quận Thủ Đức) là nơi xe khách về các địa phương phía Bắc chọn làm nơi đón khách dọc đường. Trời nắng gắt, nhiều hành khách la ó vì chờ lâu nhưng tài xế vẫn thản nhiên phì phà thuốc lá, còn lơ xe thì đi gạ gẫm người ngồi bên đường. Cách đó chừng 500 m, trạm xe buýt trước chợ Tam Bình (phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức) cũng biến thành bến cóc khi có hàng chục người ngồi chờ xe. Thấy có người ngồi trong quán, chiếc xe khách mang biển số TPHCM tấp nhanh vào lề đường. “400.000 đồng về Quảng Ngãi, bao ăn” - lơ xe nói nhanh. Sau một lúc chần chừ, 4 người lên xe.
Bến cóc tại Khu Du lịch Suối Tiên mặc dù đã được dẹp nhưng các xe khách vẫn tấp vào vì không thấy thanh tra giao thông, CSGT. Dưới chân cầu vượt bộ hành Suối Tiên, khoảng chục người ngồi chờ xe. Sau khi gọi điện cho một xe khách, người đàn ông chở 4 thùng bia và 2 thùng nước ngọt đứng chờ. Khoảng 10 phút sau, một xe khách đang chạy tốc độ cao bỗng dừng đột ngột và trong chớp nhoáng, toàn bộ số bia, nước ngọt được lơ xe cùng người đàn ông đưa lên xe.
Xe dù đón khách tại chợ Tam Bình, quận Thủ Đức - TPHCM. Ảnh: SỸ ĐÔNG
Cách đó gần 1 km, trạm xe buýt trước Nghĩa trang Liệt sĩ TPHCM cũng bát nháo không kém khi tập trung nhiều xe buýt và xe dù. Hai thanh niên về Nghệ An ngồi chờ chưa được 30 phút thì một chiếc xe khách về Hà Nội trờ tới. Sau một hồi kì kèo, chủ xe đồng ý giảm giá từ 1 triệu đồng còn 850.000 đồng rồi đẩy 2 thanh niên lên xe.
Trên tuyến Quốc lộ 13, từ cầu Bình Triệu đến ngã tư Bình Phước, nhiều xe dừng, đón khách không đúng quy định. Trưa 1-2, một xe khách đi Quảng Ngãi vừa đến chợ Bình Triệu đã dừng giữa đường đón khách. Ngay lập tức, chiếc xe này bị lực lượng thanh tra giao thông tuýt còi xử phạt. “Thấy trên xe còn thưa người nên tranh thủ đón thêm chứ bình thường chạy rất đúng giờ, không rước khách” - bà chủ xe phân bua.
Thanh tra giao thông TPHCM xử phạt một xe đón khách không đúng quy định. Ảnh: PHẠM DŨNG
Bạ đâu dừng đó
Sáng 1-2, ở khu vực Bến xe Mỹ Đình (đường Phạm Hùng, huyện Từ Liêm - Hà Nội), nhiều xe dù, xe khách chạy vòng vo đón, trả khách khiến tuyến đường này nhiều lúc bị ách tắc nghiêm trọng. Trên đường Phạm Hùng, dù đã có biển báo cấm dừng, tốc độ tối thiểu là 30 km/giờ nhưng sau khi xuất bến, phần lớn các xe đều chạy như “rùa” với tốc độ chỉ 5-10 km/giờ để đón khách.
Tại Bến xe Giáp Bát (quận Hoàng Mai), sau khi rời bến, các chủ xe ngang nhiên mở cửa và nhảy xuống đường chèo kéo bắt khách, dù CSGT xuất hiện liên tục trên đường Giải Phóng rồi vòng vào phố Kim Đồng. Một vài xe bị bắt và xử lý vi phạm nhưng tình trạng trên vẫn không giảm.
Không chỉ ở khu vực các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, các tuyến đường như Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển (quận Thanh Xuân); Nguyễn Trãi - Quang Trung (quận Hà Đông)... cũng xảy ra tình trạng xe ngang nhiên dừng hoặc vừa chạy vừa bắt khách.
Theo quan sát của phóng viên, trên Quốc lộ 1A, đoạn đường Ngã Ba Huế và khu vực cầu vượt Hòa Cầm (Đà Nẵng), thường xuyên có đội ngũ xe thồ túc trực để bắt khách cho các xe. Mỗi khi không có lực lượng chức năng tuần tra, các lơ xe ào ra đường đón khách gây nên cảnh mất trật tự.
Rối “đường dây nóng” Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ - Bộ GTVT, cho biết đã có kế hoạch phối hợp với Cục CSGT Đường bộ, Đường sắt - Bộ Công an trong việc ngăn chặn, xử lý tình trạng xe chở quá số người quy định, nhồi nhét khách dịp Tết Quý Tỵ. Ông Quyền cho biết nếu người dân phát hiện tình trạng xe nhồi nhét khách thì gọi tới đường dây nóng 04.38571450 của tổng cục để cơ quan này kịp thời phản ánh tới cơ quan công an địa phương. Tuy nhiên, nhiều người dân cho biết khi họ gọi tới số điện thoại này thì thường không có người nghe. Để kiểm chứng, 17 giờ ngày 1-2, chúng tôi nhiều lần gọi vào “đường dây nóng” trên nhưng không có người nghe máy. Tới khi có người nghe thì mới biết đây là số điện thoại Phòng Hành chính của Tổng cục Đường bộ. Theo lời nhân viên nghe máy, sau giờ hành chính sẽ không có người túc trực tiếp nhận các cuộc gọi tới số này. Tiếp nhận phản ánh của phóng viên Báo Người Lao Động, ông Quyền cho biết số điện thoại đường dây nóng có sự thay đổi, hiện là số điện thoại di động của ông Bình, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Tổng cục Đường bộ): 0977 244 289. Thế nhưng, khi chúng tôi gọi vào số này thì ông Bình cho biết đây là số cá nhân không phải đường dây nóng của tổng cục. “Do tổng cục chưa có đường dây nóng riêng nên tạm thời sử dụng số di động của tôi” - ông Bình nói.
T.Kha |
Không dám lên tiếng Chiều 1-2, trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Người Lao Động về tình trạng xe dù, bến cóc trên đường Phạm Hùng, gần khu vực Bến xe Mỹ Đình - Hà Nội, ông Nguyễn Mạnh Tiến, Giám đốc Bến xe Mỹ Đình, cho biết không có thẩm quyền xử lý. “Thanh tra giao thông và lực lượng công an mới có thẩm quyền” - ông Tiến nói. Khi được hỏi về quan điểm cá nhân, ông Tiến trả lời: “Tôi rất bức xúc nhưng không dám lên tiếng vì sợ gây thù oán với các thế lực khác”. Trong khi đó, đề cập tình trạng trên, ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Bến xe Giáp Bát, cũng thừa nhận “bó tay” vì xảy ra ngoài địa bàn của bến. Đối với thẩm quyền của bến xe, ông Thành cho biết khi lực lượng công an, thanh tra giao thông lập biên bản và gửi về, bến sẽ xử lý nghiêm các xe vi phạm. Tuy nhiên, mức xử phạt tối đa cũng chỉ là đình tài. “Vi phạm đến lần thứ tư thì chúng tôi mới được phép đề nghị cơ quan chức năng không cho xe hoạt động trong bến” - ông Thành nói. |
Bình luận (0)