Ở khu non bộ - tiểu cảnh, tiểu cảnh “Soi bóng trời Nam” làm từ cây nguyệt quế cổ thụ thu hút rất nhiều người dân đến ngắm nhìn. Một số tiểu cảnh như “Thanh long quá hải” (cây bằng lăng), “Trường giang soi bóng” (cây ngọa tùng) cũng được xếp vào diện hàng đẹp của khu non bộ - tiểu cảnh.
Cây nguyệt quế cổ thụ "Soi bóng trời Nam"
Ở khu mai vàng, những hiện vật được dự đoán đoạt giải năm nay đều là những gốc mai của đất mai An Giang, trong đó có gốc mai cổ thụ của nghệ nhân Năm Lến ở Long Xuyên (An Giang). Đây là gốc mai đã từng đoạt nhiều giải vàng trong những mùa Hội Hoa Xuân (HHX) trước.
Nghệ nhân Nguyễn Phúc Giác và cây xương rồng nanh heo
Nghệ nhân Quốc Anh chăm sóc cho bụi lan Ý thảo độc đáo của ông
Đặc biệt, những hiện vật đặc sắc dường như tập trung vào khu lan. Sáng 6-2, rất nhiều người dân trầm trồ trước vẻ đẹp không thể không ngắm nhìn của bụi lan Giả hạc màu tím rất dài, cành thòng xuống gần 2 m của nghệ nhân Quốc Anh (Lâm Đồng).
Bên cạnh bụi lan Giả hạc, nghệ nhân Quốc Anh còn đem đến HHX bụi lan Ý thảo đột biến quý giá. Lan cho hoa màu trắng, bình thường là màu tím hồng. Ngoài 2 hiện vật đặc biệt nổi trội trên, nghệ nhân Quốc Anh còn góp thêm 3 chậu lan hạc đỉnh đang kỳ trổ bông rất sung mãn.
Lan giả hạc
Cũng có nhiều hiện vật đặc sắc không kém khu hoa lan. Khu hoa sứ năm nay đẹp mê hồn với bộ ba sứ Thiên quân có hoa đỏ rực, bộ rễ hoành tráng; gốc sứ Liễu hồng với bộ rễ đẹp. Đáng chú ý, một loại sứ có tên là Baby Girl mới xuất hiện năm nay nhưng hứa hẹn đoạt giải khi cho hoa màu rất lạ.
Ngoài ra, HHX năm nay còn có sự góp mặt của cây vú sữa 80 tuổi với 100 trái; cây khế dáng thế cây đẹp, tán tròn, lúc lỉu trái; trà mi rừng mới vừa được phát hiện cách đây 5 tháng...
Cây vú sữa 80 tuổi, 100 trái
Theo nhận xét của ban tổ chức, khu xương rồng năm nay có nhiều hiện vật đặc sắc hơn các năm trước do có sự góp mặt của nhiều nghệ nhân. Trong đó, nổi bật nhất là nghệ nhân Nguyễn Phúc Giác (An Giang) với gần 40 hiện vật trưng bày và 20 hiện vật dự thi. Gây ấn tượng với du khách nhiều nhất là 2 chậu xương rồng nanh heo cao hơn 1 m.
Điểm đặc biệt của 2 chậu xương rồng này là được nuôi trồng ở Việt Nam ngay khi cây còn nhỏ và đến giờ, cây vẫn phát triển thuận lợi, vóc dáng đẹp, thân không bị nám. Đây là điều rất khó đạt được khi trồng loại xương rồng này tại Việt Nam. Một số loại khác cũng gây ấn tượng mạnh như xương rồng hàm cá mập, xương rồng tầng vân…
Bình luận (0)