“Cơ quan mình chuẩn bị cử phóng viên đi Trường Sa đó. Hình như mấy anh em bên Ban Thời sự - Nội chính có đăng ký đi” - câu nói của người anh đồng nghiệp vang lên trong bữa cơm trưa làm tôi chú ý.
Bất giác, tôi buộc miệng: “Em cũng muốn đi”. Mọi người nhìn tôi: “Mùa cuối năm biển động giữ lắm, lại hay gặp bão. Người em ốm nhom, sao mà “vật” lại với mấy cơn bão hung dữ của biển Đông?”. Tôi nhíu mày, cãi lại: “Em nhỏ mà có võ!”.
Không biết sợ ai cướp mất phần hay cái mong ước đi Trường Sa trong tôi quá lớn mà tôi “liều” nhắn tin cho trưởng ban dù biết đã là giờ nghỉ trưa: “Sếp ơi, em đăng ký một suất đi Trường Sa”. 5 phút, 10 phút trôi qua, cái điện thoại cứ im ỉm làm tôi suốt hết cả ruột, miệng ngậm mãi cái muỗng ăn cơm.
Bíp… bíp… bíp, tôi vồ ngay cái điện thoại: “Ừa, suất đó là của em mà”. Mặc dù nhận được rất nhiều tin nhắn từ sếp nhưng chưa tin nhắn nào làm tôi sung sướng như thế này. Bưng dĩa cơm lên, tôi ăn ngấu nghiến.
Mấy ngày hôm sau, gặp ai tôi cũng khoe với cái miệng cười toác ngoác: “Em chuẩn bị đi Trường Sa hơn 20 ngày lận đó”. Trái với sự háo hức lẫn vinh dự trong tôi là sự ái ngại của mọi người bởi chuyến đi vừa dài vừa vào mùa biển động.
Một tuần sau, tôi sống trong tâm trạng hồi hộp lẫn lo lắng khi đợi mãi mà chẳng thấy cuộc điện thoại nào từ Vùng 4 Hải quân – đơn vị đưa đoàn báo chí ra Trường Sa. Trong khi đó, cô bạn đồng nghiệp ở Báo Lao Động khoe trên Facebook: “Đang ở Cam Ranh để bắt đầu hành trình ra Trường Sa hơn 20 ngày”, làm tôi càng nóng ruột.
Mãi đến trước một ngày đoàn xuất phát, tôi mới nhận được điện thoại từ Vùng 4 Hải quân. Trước khi đi, tôi kịp dự “ké” bữa tiệc tất niên của Ban Thể thao. Tôi còn nhớ các anh cứ trêu mãi: “Ăn nhiều vào em. Ăn món Trung Quốc nữa nè, lỡ mà có bị "người lạ" bắt thì còn quen khẩu vị”.
Tối 1-1, tôi lên xe rời TPHCM. Chiều 2-1, đoàn có mặt ở cầu cảng Cam Ranh - Khánh Hòa. Giống như đồng nghiệp ở cơ quan, các anh trong đoàn cũng nhìn tôi đầy lo lắng. “Em không sợ say sóng hả. Mùa này sóng dữ lắm” - anh nhìn tôi, tò mò hỏi. “Dạ, sợ”. “Sợ mà sao vẫn đi?”. “Sợ thì sợ, đi thì cứ đi” - tôi cười xòa xòa.
Mãi sau này, khi chuyến đi gần kết thúc, anh Nguyễn Nam Hải, phóng viên Báo Nông thôn ngày nay, mới tâm sự: “Lúc thấy em ở cầu cảng, anh cứ tưởng em đi tiễn người yêu. Mấy hôm sau thấy em trên cabin tàu mới giật cả mình. Thì ra cô bé nhỏ con này là phóng viên. Trong khi bồ đội lẫn phóng viên say đứ đừ vì bão thì em lại ton ton đi chơi. Nhỏ người mà ghê thật”.
16 giờ, tàu hướng về biển Đông thẳng tiến. Thế là tôi đi Trường Sa, mang theo một quyết tâm mãnh liệt. Và một buổi sáng đầu Xuân năm 2013 tại đảo Song Tử Tây, cái quyết tâm mãnh liệt ấy đã được thực hiện tôi đã tham gia sự kiện hiếm có trong đời mình chào cờ, hát Quốc ca và xem nghi thức duyệt binh dưới cột mốc chủ quyền với 4 mặt là cờ Tổ quốc.
Duyệt đội hình danh dự trong lễ chào cờ ở đảo Song Tử Tây, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa
Trên cao là lá cờ đỏ sao vàng bay phần phật trong gió biển Trường Sa xanh ngắt. Tôi đã nhìn thấy cờ Tổ quốc tung bay trong nắng Ba Đình, trong những sáng thứ hai chào cờ đầu tuần thời đi học, trên hài cốt các liệt sĩ, trong các trận thi đấu thể thao… Mỗi hình ảnh đều gợi lên những cảm xúc sâu lắng.
Nhưng khi nhìn lá cờ Tổ quốc bay lồng lộng trên đảo còn ở dưới là mảnh đất liêng thiêng của Tổ quốc, tôi thấy trào lên những cảm xúc thật lạ mà tôi chưa từng có trong đời. Dương như lá quốc kỳ bay ngạo nghễ trong gió đã tiếp thêm cho những người lính đảo lòng dũng cảm và tình yêu Tổ quốc Việt Nam, che chở cho họ nơi đầu sóng ngọn gió.
Giờ tôi hiểu vì sao 64 cán bộ, chiến sĩ đảo Gạc Ma đã từng lấy lá cờ Tổ Quốc quấn vào thân mình rồi bình thản chắn những luồng đạn của kẻ thù tàn bạo. Thiêng liêng và tự hào biết bao lá cờ Tổ Quốc! Không tự hào sao được khi giữa ù ù gió hú, muối mặn chát trên môi, ngước nhìn lên cao tít mây trời, lá cờ đỏ sao vàng tung bay kiêu hãnh, khẳng định chủ quyền ngàn năm bất diệt.
Sau tiếng hô khẩu hiệu, tất cả cán bộ, chiến sĩ bắt đầu thực hiện nghi thức chào cờ và hát Quốc ca. “Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc, bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa, cờ in máu chiến thắng mang hồn nước, súng ngoài xa chen khúc quân hành ca, đường vinh quang xây xác quân thù, thắng gian lao cùng nhau lập chiến khu…”. Vai run lên bần bật làm tôi không thể hát trọn câu. Tôi vừa hát vừa khóc. Trong cuộc đời mình, đã mấy trăm lần tôi hát Quốc ca. Cũng bài Quốc ca đó, cũng màu cờ đó nhưng khi hát ở vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc, trong tôi những cảm xúc mãnh liệt không tên cứ trào dâng mạnh mẽ.
Trong từng câu từ của bài hát, tôi cảm nhận được sự vĩ đại của dân tộc mình, của đất nước mình. Và càng ý thức sâu sắc hơn bao giờ hết về sự hy sinh của lớp lớp cha ông đi trước; dựng nước, giữ nước trong chiều dài lịch sử dù bị nạn xâm lăng nhưng không bao giờ chịu khuất phục.
“Chúng tôi, quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam, lấy danh dự người chiến sĩ cách mạng xin thề dưới lá cờ vinh quang của Tổ quốc. Hy sinh tất cả vì tổ quốc Việt Nam; dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phấn đấu thực hiện một nước Việt Nam hòa bình, độc lập và xã hội chủ nghĩa, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội!...”. Và tất cả, cùng vuông quai hàm, đanh mắt, hô như muốn vỡ lồng ngực “Xin thề!” trước Quốc kỳ. Giữa ầm ầm sóng, lồng lộng gió và mênh mang nắng Trường Sa, mười lời thề danh dự của quân nhân vang lên như sóng dậy, đã làm tình yêu biển đảo, Tổ quốc cháy rực trong từng con tim.
Và tôi chắc chắn một điều, tất cả những ai ra với Trường Sa, khi tham dự lễ chào cờ tưởng như rất đổi bình thường sẽ hiểu thế nào là niềm tự hào dân tộc, tình yêu biển đảo, Tổ quốc. Kể cả một người khô cằn cảm xúc như tôi.
Bình luận (0)