Tiếp sau Nga và Anh, Bộ Ngoại giao hai cường quốc châu Âu là Đức, Pháp cũng lên tiếng chỉ trích vụ thử hạt nhân của Triều Tiên và kêu gọi Liên Hiệp Quốc trừng phạt mạnh tay hơn. |
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 12-2 phát đi thông cáo khẳng định Bắc Kinh “kiên quyết phản đối vụ thử hạt nhân mới nhất do Triều Tiên tiến hành bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế”.
“Chúng tôi hối thúc mạnh mẽ Triều Tiên thực hiện cam kết giải trừ vũ khí hạt nhân và không thực hiện các hành động làm xấu thêm tình hình. Chính phủ Trung Quốc kêu gọi các bên phản ứng bình tĩnh, giải quyết vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên thông qua đối thoại theo khuôn khổ đàm phán sáu bên” – thông cáo viết rõ.
Tuy lời lẽ phê phán trực diện hơn nhưng Bộ Ngoại giao Trung Quốc không hề biểu lộ sự đe dọa hay cảnh báo trừng phạt cũng như trả đũa nào dành cho Triều Tiên trong thông cáo, các hãng tin quốc tế nhận định.
Binh lính Triều Tiên canh giữ bờ sông ở thị trấn Sinuiju (Triều Tiên),
đối diện thành phố Đan Đông (Trung Quốc). Ảnh: AP
Trước khi có thông cáo này, một nhà ngoại giao tại Liên Hiệp Quốc tiết lộ Bắc Kinh tỏ rõ sự không hài lòng. “Trung Quốc đã cảnh báo mạnh mẽ với Triều Tiên khi có dấu hiệu vụ thử sắp diễn ra. Đây là một thách thức lớn với Bắc Kinh” - nhà ngoại giao giấu tên nhận định.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Min-seok cho biết Triều Tiên đã thông báo với Trung Quốc và Mỹ một ngày trước khi thử hạt nhân.
Trung Quốc là đồng minh quan trọng số một của Triều Tiên, đồng thời là nguồn cung cấp viện trợ lớn nhất nhiều thập kỷ qua kể từ khi chiến tranh Triều Tiên chấm dứt năm 1953. Tuy nhiên, hãng tin AP cho rằng vụ thử hạt nhân ngày 12-2 đã đẩy Bắc Kinh vào thế phải cứng rắn hơn với Bình Nhưỡng.
Trung Quốc cũng đã cảnh báo sẽ mạnh tay với Triều Tiên bằng cách đồng thuận thắt chặt các biện pháp trừng phạt sau khi nước này thử tên lửa, đồng thời đe dọa sẽ cho Bình Nhưỡng “trả giá đắt” nếu tiếp tục thử hạt nhân.
Tấm ảnh chụp Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành
tại cầu Hà Khẩu nối hai nước. Ảnh: AP
Ông Jin Canrong, chuyên gia quan hệ quốc tế của Đại học Renmin (Trung Quốc), nhận định Trung Quốc đang cảm thấy bị nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un “lạnh nhạt”. Mặc cho Bắc Kinh ủng hộ ông Kim tiếp quản quyền lực sau sự qua đời của người cha và duy trì các nguồn tài trợ cũng như đầu tư, nhà lãnh đạo trẻ liên tiếp phớt lờ cảnh báo của “đàn anh” để tiến hành hai vụ thử tên lửa và vụ thử hạt nhân mới tức thì.
“Lúc bắt đầu, Trung Quốc chào đón ông ấy nồng nhiệt. Nhưng Triều Tiên không hề ghi ơn, họ chỉ cần chúng tôi tài trợ. Trung Quốc cố tiếp cận ông ta nhưng không thành công. Trung Quốc rất thất vọng” – ông Jin nói.
Dù vậy, theo ông Roger Cavazos, chuyên gia về Triều Tiên tại Viện An ninh và ổn định Nautilus, Trung Quốc chưa sẵn sàng quay lưng với Triều Tiên vì vẫn cần một lá chắn cản đường quân Mỹ đồn trú ở Hàn Quốc và Nhật Bản. Hơn nữa, nếu Triều Tiên sụp đổ, Trung Quốc sẽ phải hứng một làn sóng tị nạn khổng lồ.
Vấn đề ở đây là Trung Quốc có thể kiên nhẫn được bao lâu nữa?
Bình luận (0)