Trả lời phỏng vấn của hãng AP, nghị sĩ Uwin Htein của Đảng Liên đoàn Dân chủ quốc gia (NLD) của bà Suu Kyi nói thẳng: “Bà ấy đang cố tạo lập quan hệ thân thiết với quân đội với ước vọng chân thành”. Đồng sáng lập Đảng NLD Tin Oo tiết lộ bà Suu Kyi đang cố gắng thuyết phục quân đội từng bước dân chủ hóa để đẩy mạnh tiến trình cải cách.
Theo hiến pháp hiện hành của Myanmar, bà Suu Kyi không thể trở thành TT vì có con trai mang quốc tịch Anh do bà kết hôn với công dân Anh Michael Aris năm 1967. Người phát ngôn Đảng NLD Ohn Kyaing nói: “Năm 2015 là cơ hội đầu tiên và cuối cùng để bà trở thành TT vì năm nay bà đã 67 tuổi. Đợi đến cuộc bầu cử năm 2020, bà sẽ quá già. Vì vậy, chúng tôi muốn bà trở thành TT thì phải sửa đổi hiến pháp”.
Bà Aung San Suu Kyi. Ảnh: AP
Theo hiến pháp năm 2008, quân đội Myanmar mặc nhiên được trao 1/4 ghế nghị sĩ và việc sửa đổi hiến pháp cần hơn 75% phiếu ủng hộ. Sau cuộc bầu cử bổ sung năm 2012, Đảng NLD giành được 43 ghế nghị sĩ trong tổng số 44 suất bầu lại nên nếu được quân đội ủng hộ thì trong cuộc bầu cử năm 2015, bà Suu Kyi chắc chắn chiến thắng để trở thành TT.
Bà Suu Kyi từng đoạt giải Nobel Hòa bình, rất có uy tín với nhân dân Myanmar vì là con gái tướng Aung San, người lãnh đạo cuộc nổi dậy trong những năm 40 thế kỷ trước chống ách phát xít Nhật. Bà đã bị chế độ quân sự Myanmar quản thúc tại gia trong 15 năm và cách đây 2 năm, đã đạt được thỏa thuận với TT Thein Sein trở lại chính trường để góp sức cải cách chính trị đất nước.
Trong cuộc hội thảo mới đây ở Trung tâm Nghiên cứu Đông - Tây tại Hawaii, bà Suu Kyi nói: “Cùng với các tầng lớp nhân dân Myanmar và quân đội, chúng tôi mong muốn xây dựng đất nước hùng mạnh, hòa hợp dân tộc, ấm no và hạnh phúc”. Hãng AP nhận xét: Tuyên bố của Suu Kyi là thật lòng, chắc chắn được phe quân đội ủng hộ vì “không còn coi bà là mối đe dọa quyền lực của họ”.
Bình luận (0)