Gần 1 tháng qua, đêm nào bà Nguyễn Thị Thiềm (ngụ đường Y Nuê, TP Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk) cũng phải thức dậy hứng nước vào mấy thùng nhựa để phục vụ sinh hoạt.
Cuộc sống đảo lộn
Theo bà Thiềm, cứ 2 ngày thì có nước khoảng 6 giờ nhưng rất yếu. Tối đến, bà mở sẵn vòi nước rồi đi ngủ, gần sáng, nước mới đủ mạnh để hứng. Lượng nước hứng được cũng không bao nhiêu nên gia đình phải dùng nước rửa rau để phục vụ việc vệ sinh. “Nhiều đêm, tôi cứ thấp thỏm nằm chờ nước đến sáng mà không ngủ được” - bà Thiềm ngán ngẩm.
Việc thiếu nước sinh hoạt đối với người dân đã khổ, đối với các chủ cửa hàng kinh doanh ăn uống lại càng khổ hơn. Chị Trần Thị Khanh, một chủ hộ kinh doanh quán ăn ở đường Điện Biên Phủ, cho biết: “Quán ăn dùng khoảng 1.000 lít nước/ngày. Gần đây, nước bị cúp liên tục. Tôi luôn mất ăn mất ngủ để canh thời điểm lấy nước sử dụng. Nhiều lúc không còn cách nào khác, phải đi xin nước giếng của một số hộ dân về dùng dù biết nước giếng ô nhiễm, không bảo đảm vệ sinh”.
Hàng ngàn sinh viên trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột phải khắc phục việc thiếu nước bằng cách… ăn cơm bụi. Hà Thị Thùy, sinh viên năm 2 Trường ĐH Tây Nguyên, kể: “Trước đây, mỗi ngày em chi 30.000 đồng mua đồ về nấu ăn 3 bữa. Nay không có nước, em phải đi ăn quán mỗi ngày hết 60.000 đồng. Tiền chu cấp của gia đình thì không thay đổi nên em đang tìm việc làm để kiếm thêm thu nhập”.
Chỉ cung cấp 40% nhu cầu
Chỉ tính riêng TP Buôn Ma Thuột, trung bình 1 ngày đêm dùng hết khoảng 55.000 m3 nước sinh hoạt nhưng hiện lượng nước tối đa cung cấp cho TP chỉ đạt khoảng 35.000 m3/ngày đêm, thiếu gần 40% so với nhu cầu. Trong khi đó, con số này vẫn tiếp tục giảm từ 2%-3%/ngày. Trạm bơm Ea Ko Tam (buôn Ko Tam, xã Ea Tu) là trạm chủ lực cấp nước cho toàn TP, hiện chỉ còn đủ nước cho 1/4 số máy bơm hoạt động. Cạnh đó, trạm bơm 35 (xã Hòa Đông, huyện Krông Pắk) cách đây 2 năm là một hồ nước rộng vài hecta nhưng hiện lòng hồ đã trơ đáy. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở 18 giếng khoan và 3 mạch lộ thiên mà Công ty TNHH một thành viên Cấp nước và Đầu tư xây dựng Đắk Lắk dùng để cấp nước cho 6 huyện, thị trong tỉnh.
Chỉ biết chờ mưa
Theo ông Trần Văn Thiện, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cấp nước và Đầu tư xây dựng Đắk Lắk, nguyên nhân thiếu nước chủ yếu là do thời tiết khô hạn kéo dài nhiều tháng nay làm mực nước ngầm cạn kiệt. Bên cạnh đó, việc cúp điện tại một số trạm bơm cũng là nguyên nhân khiến nguồn nước thiếu trầm trọng.
Không chỉ ở TP Buôn Ma Thuột mà tại huyện Krông Pắk và thị xã Buôn Hồ, lượng nước cũng thiếu từ 5.000 - 10.000 m3/ngày đêm và đang tiếp tục giảm nhanh. “Người dân phải sống chung với cảnh thiếu nước sinh hoạt đến khi có mưa lớn, mực nước ngầm dâng lên” - ông Thiện khẳng định.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đại Ngưỡng, Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Đắk Lắk, cho biết mùa mưa năm nay kết thúc sớm, lượng mưa ít hơn mọi năm nên hiện lượng nước trên các ao hồ, sông suối và mực nước ngầm giảm kỷ lục, giảm khoảng 40% so với cùng kỳ. Theo dự báo, trong tháng 2 và tháng 3, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk sẽ có mưa trái mùa nhưng lượng mưa không đáng kể nên chưa thể làm dâng mực nước ngầm.
Dụng cụ đựng nước “cháy” hàng Khảo sát ngày 16-2 của phóng viên Báo Người Lao Động cho thấy, hiện các cửa hàng kinh doanh những vật dụng chứa nước tại TP Buôn Ma Thuột đang “cháy” hàng do sức mua tăng đột biến. Đặc biệt, các loại thùng nhựa có dung tích từ 50 đến 200 lít rất khó mua được. Anh Phạm Quang Bình, chủ cửa hàng tạp hóa trên đường Phan Bội Châu, cho biết: “Dự báo có nhiều người mua thùng nhựa để trữ nước nên trước Tết, cửa hàng đã nhập 70 thùng nhựa loại 100 lít. Tuy nhiên, mới nhập về được 4 ngày thì đã hết hàng. Hai ngày qua có rất nhiều người tới hỏi mua, chúng tôi đã gọi điện cho đơn vị bỏ hàng nhưng đến nay chưa thấy họ chở đến” - anh Bình nói. |
Bình luận (0)