Phóng viên: Nghĩa là tỉnh Đồng Nai vẫn tiếp tục phản đối 2 dự án này đến cùng, thưa ông?
- Ông Trương Văn Vở: Đây là hoạt động giám sát của địa phương trước các vấn đề liên quan. Vừa qua, Thường vụ Quốc hội (QH) cũng đã trình QH giám sát các nghị quyết tại kỳ họp thứ 4 QH khóa XIII về các nội dung chất vấn, trong đó có chuyện thủy điện. Nếu thấy chậm trễ, các đoàn đại biểu QH có thể nhắc. Bản thân tôi cho rằng không nhất thiết phải chờ đến kỳ họp QH thứ 6 (tháng 10-2013) theo nghị quyết tại kỳ họp vừa rồi đưa ra. Nếu thấy rõ không hội đủ tiêu chí, Bộ Công Thương cứ việc trình Chính phủ loại bỏ 2 dự án thủy điện này.
* Giữa tháng 1-2013, Thủ tướng đã yêu cầu “cơ quan có thẩm quyền quyết định cho phép xây dựng 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A phải bảo đảm đúng các quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm về việc quyết định của mình”. Vậy quan điểm hiện nay của tỉnh Đồng Nai như thế nào?
- Tỉnh Đồng Nai vẫn bảo vệ quan điểm của mình tới cùng, bằng tất cả các kênh có thể để người dân cũng như chính quyền địa phương nói lên tiếng nói của mình, kiên quyết không đồng ý với việc xây hai thủy điện Đồng Nai 6, 6A. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai đã gửi văn bản lên Bộ Chính trị, Ban Bí thư kiến nghị dừng triển khai 2 dự án này. Hiện đoàn đại biểu QH tỉnh vẫn theo dõi sát diễn biến vụ việc và sẽ lên tiếng bảo vệ cuộc sống của người dân, bảo vệ lợi ích môi trường.
* Thưa ông, kỳ họp QH sắp tới, Đoàn Đại biểu QH tỉnh Đồng Nai có tiếp tục đưa vấn đề này ra không?
- Thực tế, 2 dự án thủy điện này đã được Chính phủ chỉ đạo, đưa vào quy hoạch. Tuy nhiên, trước tình hình có nhiều diễn biến bất lợi về môi trường, sự mất mát và hệ lụy từ 2 dự án theo các nhà khoa học là có thể thấy rõ như ban ngày thì việc rà soát lại quy hoạch hết sức nghiêm túc là điều rất cần thiết. Ba năm qua, Bộ Công Thương đã rà soát và loại đến trên 100 dự án thủy điện nhưng 2 công trình “tai tiếng” này vẫn không bị loại bỏ, trong khi nó không bảo đảm vì vi phạm Nghị quyết 49 của QH và Luật Đa dạng sinh học. Tháng 9-2012, Thủ tướng Chính phủ cũng đã công nhận Vườn Quốc gia Cát Tiên là “Di tích đặc biệt”, vậy tại sao không có biện pháp bảo vệ, trong khi tác hại và hệ lụy được cảnh báo là sẽ xảy ra ngay tại vùng lõi?
Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII vừa rồi, tôi đã đưa vấn đề này ra 2 lần nhưng Bộ Công Thương trả lời không đến cùng. Họ nói chung chung, cho rằng việc khảo sát thực hiện 2 dự án là nằm trong kế hoạch chỉ đạo của Chính phủ. Thực ra không phải như vậy. Các bộ, ngành liên quan cần phải chủ động kiểm tra, giám sát và có trách nhiệm báo cáo, tư vấn cho Chính phủ. Họ đã báo cáo đâu? Hai dự án rõ ràng lợi bất cập hại như thế, tại sao không thể quyết dừng ngay mà cứ cố níu kéo mãi làm mất thời gian, tiền bạc? Thật là khó hiểu…
* Theo ông, có gì bất thường?
- Chúng ta không bàn đến vấn đề bất thường hay không khi không biết cụ thể nhưng tôi thấy khó hiểu khi các mặt lợi - hại, được - mất đã được đặt lên bàn cân rõ ràng. Việc tư vấn, loại bỏ những công trình không bảo đảm, lợi ích đổi lại cũng không quá lớn là trong quyền hạn và nên thực hiện nhưng không hiểu sao người ta cứ dùng dằng.
* Theo ông, sẽ là trách nhiệm của ai khi ngay từ đầu không xác định được những bất cập của 2 dự án để rồi nhiều năm liền cứ khảo sát, triển khai? Rồi một bản đánh giá tác động môi trường ra đời với nhiều điểm vô lý mà báo chí đã phanh phui?
- Thì đấy, chính chủ đầu tư (Tập đoàn Đức Long Gia Lai) đã vin vào điều này. Nghị quyết 49 của QH được đưa ra năm 2010. Quy hoạch điện, trong đó có 2 thủy điện Đồng Nai 6, 6A, đã có trước đó. Tuy nhiên theo tôi, đây cũng không phải là yếu tố quyết định, bởi việc điều chỉnh không phụ thuộc về mặt thời gian mà phải theo tính chất của nó. Cũng may mà báo chí phát hiện, nếu không chủ đầu tư cứ vin vào đây rồi lặng lẽ cắt vườn, lấp sông thì nguy. Lúc đó có truy trách nhiệm cũng chẳng cứu vãn được gì.
* Trường hợp 2 dự án thủy điện này vẫn triển khai, địa phương có thể làm gì “cứu giúp” vùng hạ du và bảo tồn văn hóa bản địa, chưa kể đến việc UNESCO rút các danh hiệu và không công nhận Vườn Quốc gia Cát Tiên là Di sản thiên nhiên thế giới?
- Đây là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Còn nếu Chính phủ vẫn quyết định cho triển khai 2 dự án này thì QH có quyền đề nghị Chính phủ báo cáo rõ mọi nội dung, trách nhiệm liên quan.
Như đã nói, chúng ta vẫn chỉ vạch ra nguy cơ và chú tâm vào giai đoạn đầu để tránh hệ lụy, còn khi sự đã rồi thì… Trách nhiệm còn thuộc về Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên - Môi trường. Đặt lên bàn cân thì chuyện được mất đã rõ ràng, đơn giản và để tránh thiệt hại hơn, cần xếp thủy điện Đồng Nai 6, 6A vào danh sách giảm lược trong hàng trăm thủy điện được quy hoạch đã loại bỏ. Có gì đâu mà cứ níu kéo thế? Thật khó hiểu!
Hội đồng thẩm định vẫn “án binh” Đến gần cuối tháng 2-2013, các thành viên hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A vẫn chưa nhận được thêm thông báo nào từ phía chủ tịch hội đồng cũng như Bộ Tài nguyên - Môi trường, về các bước tiếp theo của quá trình thẩm định. Trước đó, ngày 28-11-2012, hội đồng thẩm định đã họp lần đầu tiên về vấn đề kỹ thuật sau chuyến khảo sát liên ngành vào tháng 8-2012. Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, chủ tịch hội đồng, ông Bùi Cách Tuyến, đây mới chỉ là bước thẩm định kỹ thuật xem chủ đầu tư đã làm đúng cách và đủ các bước hay chưa, nếu chưa thì có thể hướng dẫn chủ đầu tư bổ sung, hoàn thiện. Để ra được kết luận, sẽ phải có nhiều cuộc họp hội đồng như thế..
N.Di |
Tiếp tục hoàn thiện hồ sơ di sản thế giới Ông Nguyễn Văn Diện, Giám đốc Vườn Quốc gia Cát Tiên, cho biết sẽ mời các nhà khoa học và các chuyên gia cho ý kiến tư vấn xung quanh việc xây dựng hồ sơ đề cử Vườn Quốc gia Cát Tiên là Di sản thiên nhiên thế giới gửi lên UNESCO. Theo đó, một hội thảo liên quan đến vấn đề này sẽ được Vườn Quốc gia Cát Tiên tổ chức vào khoảng trung tuần tháng 9 tới. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thành Trí cho rằng việc xây dựng hồ sơ phải được thực hiện một cách tâm huyết để có sức thuyết phục cao, chứ không thể vì khâu thủ tục mà bỏ lỡ thời cơ khẳng định giá trị của Vườn Quốc gia Cát Tiên. |
Bình luận (0)