Ảnh: QUỐC TRIỀU
Nhiều chi phí đầu vào chưa tính đến
PGS-TS Phạm Bích San, Phó Tổng Thư ký Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), cho biết từ tháng 4-2009, VUSTA đã có kiến nghị về dự án bauxite Tây Nguyên. Tại bản kiến nghị này, VUSTA đã đưa ra những đánh giá về tính khả thi của dự án và những góp ý này chủ yếu dựa vào thông tin mà Vinacomin cung cấp. “Còn nếu bây giờ, muốn làm rõ tính hiệu quả trong việc khai thác bauxite và sản xuất alumin ở Tây Nguyên thì cần có cuộc đánh giá một cách đầy đủ về giá thành sản phẩm” - TS Phạm Bích San phân tích.
Theo PGS-TS Phạm Bích San, lúc đó VUSTA đã đưa ra những phân tích về giá thành của alumin để khẳng định sự không hiệu quả của dự án, cầm chắc thua lỗ. Đó là chưa kể nếu muốn hoạt động bền vững thì dự án phải đầu tư một tuyến đường sắt khoảng 3,1 tỉ USD để giảm chi phí vận chuyển.
Nhận xét về giá thành alumin, TS Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Ban Quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng thuộc Vinacomin, nói: “Chỉ cần Vinacomin đưa đủ chi phí vận chuyển alumin 4.000 - 5.000 đồng/km/tấn, với quãng đường từ Tân Rai về cảng Gò Dầu là 260 km là rõ ngay dự án bauxite Tây Nguyên đã không hiệu quả kinh tế, chưa cần tính đến các chi phí khác”.
Chẳng ai phản đối dự án có hiệu quả
Để có chính xác giá thành alumin, ThS Phạm Quang Tú, Phó Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển (CODE), cho rằng việc đầu tiên là Vinacomin phải minh bạch và công khai toàn bộ cơ cấu và giá thành 1 tấn sản phẩm alumin. “Vinacomin ngại ngần gì mà không dám công khai việc này. Nhà nước, giới khoa học và người dân chẳng phản đối một dự án có hiệu quả kinh tế cao, minh bạch và công khai” - ông Tú nêu vấn đề.
Sẽ tính lại giá thành
Ông Trần Văn Chiều cho biết hiện Vinacomin đã ký hợp đồng bán 17.000 tấn alumin cho khách hàng trong nước và ngoài nước. “Vinacomin đang tính lại toàn bộ giá thành và đề nghị Chính phủ xem xét đây là vùng đặc biệt khó khăn cần có cơ chế, chính sách đặc thù trong tính toán giá thành” - ông Chiều nói.
Về dự án Nhân Cơ đã hoàn tất 73/74 tổng số hạng mục của nhà máy, ông Trần Văn Chiều cho rằng: “Vinacomin sẽ tính toán lại toàn bộ chi phí đầu tư cũng như cơ chế chính sách để có quyết định cụ thể sau”.
|
Doanh nghiệp du lịch bị thiệt hại nặng nề 12 dự án du lịch đã và đang xây dựng phải dừng lại vì dự án cảng Kê Gà (Bình Thuận). Đến khi Chính phủ quyết định ngừng dự án này, nhiều doanh nghiệp đã bị thiệt hại nặng. Theo ông Nguyễn Trường Vinh, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Du lịch Đồi Phong Lan, ông đã đầu tư khoảng 50 tỉ đồng vào Khu Du lịch Đồi Phong Lan. Đến năm 2006, ông được Sở Xây dựng Bình Thuận yêu cầu đình chỉ khi khu du lịch sắp hoàn thành. Đến nay, ông gần như trắng tay, trong khi khu du lịch đã xuống cấp trầm trọng. Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Đăng Khoa, con ông Nguyễn Đức Hiếu - chủ đầu tư Khu Du lịch Thế Giới Xanh, cho biết Thế Giới Xanh hoàn thành vào năm 2004 nhưng đến năm 2008 bị ngưng lại. Chiều 26-2, ông Nguyễn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, cho biết hiện vẫn chưa có phương hướng bồi thường cho các doanh nghiệp bị thiệt hại vì dự án cảng Kê Gà. Cũng theo ông Ngọc, sắp tới, đại diện Vinacomin sẽ làm việc với tỉnh để đánh giá thiệt hại của các doanh nghiệp. “Sẽ có 12 doanh nghiệp được bồi thường nhưng trong danh sách kiểm kê 12 dự án du lịch phải dừng lại vì cảng Kê Gà, chúng tôi chỉ mới kiểm tra, thẩm định giá được 4 dự án. Đây là những dự án tại khu vực dự định sẽ xây dựng cảng Kê Gà” - ông Ngọc cho biết. Q.Triều |
Bình luận (0)